Muốn giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc phải đăng ký thế nào? Cần nghiên cứu thuế giảm trừ gia cảnh khi lương tăng |
Bắt đầu từ 1/7/2024, người lao động được nhận mức lương mới. Có thâm niên công tác hơn 20 năm, chị Nguyễn Thu Hòa (Hoàng Mai, Hà Nội) phấn khởi bởi với mức lương mới chị có thêm tiền để chi trả cho đời sống hằng ngày.
Tiền lương tăng kéo theo áp lực tăng giá (Ảnh: Nguyễn Hạnh) |
Tuy nhiên, niềm vui tăng lương kèm theo đó rất nhiều những mối lo. Giá cả hàng hóa tăng, chi phí học hành tăng thêm, mỗi thứ một chút khiến tiền lương không theo kịp.
Một điều khác nữa mà được chị thắc mắc đó là chính sách không song hành cùng nhau. Ví dụ, tăng lương, số tiền thuế thu nhập cá nhân cũng tăng lên, trong khi giữ nguyên mức đóng thuế thu nhập, mức giảm trừ gia cảnh. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động sẽ phải sử dụng một phần thu nhập có thêm từ việc tăng lương để nộp thuế thu nhập cá nhân.
Do đó, nhiều người lao động như chị mong muốn được điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, tiền thuế thu nhập cá nhân để phù hợp với thực tế giá cả hàng hóa và việc chi tiêu của người dân hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng – Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân – đánh giá, việc tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 được kỳ vọng giúp nâng cao đời sống của người lao động.
“Tuy nhiên, theo cách nhìn của tôi, cứ mỗi lần tăng lương là một lần giá tăng, thậm chí giá còn tăng trước khi tăng lương. Đây là phản ứng của thị trường lao động tác động đến thị trường giá cả. Khi lương tăng, chi phí tiền lương trong giá thành hàng hóa tăng, đẩy giá cả hàng hóa tăng theo. Việc tăng lương áp dụng cho khu vực công, trong khi khu vực tư và những người lao động tự do không được quan tâm nhiều, do đó, họ sẽ không còn cách nào khác phải tăng giá để tự lấy lại điểm cân bằng” – PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng nêu ý kiến.
Việc tăng lương đợt này cùng với điều chỉnh Luật Đất đai sẽ dẫn đến thị trường đất đai, thị trường bất động sản, thị trường lao động tạo một mặt bằng giá mới. Điều này là không tránh khỏi.
Tuy nhiên, chúng ta mới đi một nửa của câu chuyện chính sách. Bởi khi các quy định về tiền lương thay đổi, chắc chắn đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cả quy định về thuế thu nhập cá nhân.
Đưa ra đề xuất về việc này, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng cho rằng, cần giảm bậc chịu thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống 4 bậc hoặc 5 bậc, đồng thời xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế nhằm đảm bảo điều tiết cao hơn với nhóm thu nhập cao. Có thể điều chỉnh mức thu nhập chịu thuế nâng lên 30% so với mức cũ, tương đương mức tăng của tiền lương. Thu nhập của người lao động hài hòa sẽ giúp tổng cầu nền kinh tế, phúc lợi của người tiêu dùng tăng lên.
“Quy định 7 bậc biểu thuế thu nhập cá nhân là quá dày và gây khó hiểu cho người dân”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế nhận định và cho rằng, biểu thuế thu nhập cá nhân chỉ nên rút gọn còn 3 bậc, bậc thấp cho nhóm thu nhập dưới 30 triệu đồng/tháng, bậc trung bình từ trên 30 triệu đồng/tháng đến 100 triệu đồng/tháng, và bậc cao từ 100 triệu đồng/tháng trở lên. Về thuế suất, bậc thấp chỉ nên thu thuế ở mức 2% thay vì 5% như hiện nay, bậc trung bình thuế suất tính 10% và bậc cao thuế suất tính 20%.
Căn cứ theo Phụ lục số 01/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 111/2013/TT-BTC, có 7 bậc tính thuế thu nhập cá nhân (dựa trên thu nhập theo tháng). |
Một vấn đề nữa được PGS. TS Đinh Trọng Thịnh đề cập đến đó là, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân từ năm 2020 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Sau hơn 4 năm duy trì, mức giảm trừ gia cảnh này được cho là đã lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Trong khi đó, giá cả hàng hóa có xu hướng ngày càng tăng, nếu tiếp tục áp dụng mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến ý nghĩa, mục tiêu của việc tăng lương cho người lao động.
Tăng lương là điều mà tất cả người lao động đều mong chờ. Tuy nhiên, nếu tăng lương mà không đi cùng việc giải quyết nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế, giảm trừ gia cảnh sẽ khiến người làm công ăn lương chịu áp lực đóng thuế thu nhập.
Vì vậy, bên cạnh tăng lương, kiềm chế lạm phát, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần sớm trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào cuối năm 2024 và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025 để đảm bảo điều chỉnh đồng bộ hệ thống pháp luật cũng như quyền lợi cho người lao động. Có như vậy, mục đích của việc tăng lương cho người lao động mới thật sự có ý nghĩa.
Nguồn: https://congthuong.vn/muc-giam-tru-gia-canh-hien-nay-da-lac-hau-332786.html