SGGP
Theo kênh DW, chống đói nghèo và khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu là 2 trọng tâm của Hội nghị Hiệp ước tài chính mới cho thế giới, diễn ra trong 2 ngày 22 và 23-6 tại Paris (Pháp).
Hơn 300 đại biểu, trong đó có hơn 40 nguyên thủ quốc gia cùng nhiều lãnh đạo các tổ chức trên thế giới đã dự hội nghị.
Nhiều hãng tin phương Tây cho hay, hội nghị tại Paris hướng đến việc cải tổ cơ cấu tài chính toàn cầu hiện hành do không còn phù hợp trước những nhu cầu vô cùng lớn của các nước nghèo trong bối cảnh hiện tượng thời tiết càng lúc càng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu.
Pháp đã phối hợp với đảo Barbados trong vùng biển Caribe đề xuất những phương án nhằm giúp các nước chậm phát triển thoát khỏi đói nghèo, bớt lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch và góp phần bảo vệ thiên nhiên, giúp các quốc gia này đối mặt hiệu quả hơn với thiên tai. Pháp và Mỹ kêu gọi để các nước chậm phát triển được quyền “đàm phán lại với các chủ nợ”…
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, mục đích chính của hội nghị tại Paris là nhằm để “các nước giàu” lấy lại niềm tin ở “các nước nghèo” trong lúc ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây đang bị thu hẹp lại tại hầu hết những vùng từng được coi là “sân sau” – từ châu Phi, đến châu Mỹ Latinh, Trung Đông xuống đến tận Nam Thái Bình Dương.
Các nước giàu từng cam kết mỗi năm tài trợ 100 tỷ USD giúp các nước chậm phát triển khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu. Nhưng đến nay, đó vẫn chỉ là những hứa hẹn. Trong khi đó, kể từ khi nổ ra xung đột tại Ukraine, phương Tây đã nhanh chóng và dễ dàng huy động hàng trăm tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev, trợ giúp nhân đạo… Thái độ sốt sắng đó dễ khiến người ta có suy nghĩ về sự thiên vị của phương Tây.
Một ngày trước hội nghị, Câu lạc bộ Paris – tổ chức không chính thức quy tụ các chủ nợ – đã đạt đồng thuận tái cơ cấu nợ cho Zambia và Sri Lanka. Nhiều chuyên gia thận trọng cho rằng, động thái mang tính biểu tượng này cùng hội nghị tại Paris khó có thể xoa dịu sự bất bình của các nước nghèo, ít nhất trong ngắn hạn.