Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đề nghị Chính phủ: “Đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng của mức chiết khấu trong chi phí phát hành sách giáo khoa lên giá sách giáo khoa hiện nay. Đoàn giám sát cho rằng, mức chiết khấu đối với sách giáo khoa, sách tham khảo hiện nay là quá cao”.
Văn bản của Chính phủ gửi đoàn giám sát do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa ký ngày 4.8, lý giải: theo quy định của luật Giá 2012 và Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28.4.2014 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn luật Giá quy định Bộ Tài chính (cụ thể là Cục Quản lý giá) chủ trì tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá sách giáo khoa và rà soát nội văn bản kê khai giá để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật.
Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa đã kê khai với Bộ Tài chính.
Theo văn bản kê khai giá của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với Bộ Tài chính, mức chiết khấu phát hành cho sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 kê khai từ năm 2020 của nhà xuất bản này như sau: 23% cho sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6; 22,5% cho sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10; 21% cho sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
“Mức chiết khấu như vậy có tác động đáng kể đến giá sách giáo khoa”, báo cáo của Chính phủ nhận định.
Áp giá trần, tiếp tục tính phương án mua sách giáo khoa cho học sinh mượn
Về giải pháp chấn chỉnh, văn bản nêu: “Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng mức giá trần của sách giáo khoa theo quy định để tăng cường quản lý của Nhà nước đối với giá sách giáo khoa. Đây là giải pháp quản lý giá sách giáo khoa, giảm mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa”.
Liên quan đến phương án mua sách giáo khoa cho học sinh mượn để giảm gánh nặng cho người dân, văn bản Chính phủ gửi đoàn giám sát cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Tài chính xây dựng phương án mua sách giáo khoa trang bị cho thư viện để học sinh mượn sử dụng.
Bộ GD-ĐT đã có các công văn gửi các địa phương đề nghị báo cáo số liệu học sinh và đề xuất nhu cầu kinh phí mua sách giáo khoa cho học sinh mượn, sử dụng; số kinh phí ngân sách địa phương tự cân đối và đề xuất kinh phí hỗ trợ từ ngân sách T.Ư.
Hiện nay, Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT tổng hợp báo cáo của các địa phương, tính toán, xây dựng các phương án hỗ trợ, đánh giá tác động tới ngân sách nhà nước và xin ý kiến Bộ Tài chính về khả năng cân đối ngân sách nhà nước, để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Như Thanh Niên đã phản ánh, giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ khi “thay sách” đến nay thường cao hơn từ 2 – 4 lần so với giá sách giáo khoa của chương trình 2006.