Sông đi vào câu hát
Không biết tôi đã đi thăm bao nhiêu con sông và con sông nào cũng để lại mùi nhớ thương trong những mùa hân hoan đón nắng. Mỗi con sông mỗi vẻ đẹp, với sức sống trường tồn, ghi tạc vào dòng thời gian vẻ đẹp của nó. Nhờ sông gợi hứng, các văn nghệ sĩ đã chưng cất thành những ca khúc.
Trong mỗi ca khúc đó, mỗi dòng sông lại được ngân vang bằng bao hình ảnh tuyệt đẹp. Sông Hồng đỏ thắm phù sa, đã chở bao nhiêu khát vọng, có rất nhiều bài hát: “Gửi em ở cuối sông Hồng” thơ Dương Soái, nhạc Thuận Yến; “Mênh mang một khúc sông Hồng” của Phó Đức Phương; “Ngẫu hứng sông Hồng” của Trần Tiến; Đỗ Nhuận viết về sông Thao – một khúc sông Hồng chảy qua Phú Thọ với ca khúc “Du kích sông Thao”…
Với sông Lô, Văn Cao có “Trường ca Sông Lô” được coi là tác phẩm bất hủ với âm hưởng vừa bi tráng hào hùng lại mượt mà lãng mạn. Hay ca khúc “Sông Lô chiều cuối năm” của Minh Quang. Dòng sông Mã nói riêng và mảnh đất Thanh Hóa anh hùng nói chung, luôn là đối tượng dành được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhạc sĩ có tên tuổi. Nhạc sĩ Xuân Giao đã sáng tác ca khúc “Chào sông Mã anh hùng”.
Bài hát là một khúc ca hào hùng, đầy niềm tự hào về một dòng sông với những người con của quê hương kiên cường chống giặc: “Sừng sững bóng cầu Hàm Rồng/ Soi bóng dòng sông Mã chảy mênh mang/ Ơi quê ta bao yêu thương/ Vang nước sông tiếng hát anh hùng”. Cũng niềm cảm hứng về sông Mã, nhạc sĩ Phan Lạc Hoa có “Tình ca sông Mã”, nhạc sĩ Huy Thục có “Về theo câu hò sông Mã”, nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh có “Tình ca Tây Bắc”…
Sông Hương là một trong những con sông nhiều thơ và nhạc nhất. Trong đó có “Trên sông Hương”, “Bình – Trị – Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương; “Tiếng sông Hương” của Phạm Đình Chương; “Tiếng hát gửi sông Hương” của Trần Hữu Pháp…
Sông Vàm Cỏ Đông gắn liền với nhiều ca khúc nổi tiếng, ngoài bài “Vàm Cỏ Đông” của Trương Quang Lục, phổ thơ Hoài Vũ, còn có “Lên ngàn” của Hoàng Việt, “Anh ở đầu sông, em cuối sông” (nhạc Phan Huỳnh Điều, phổ thơ Hoài Vũ), “Dòng sông và tiếng hát” của Nguyễn Nam, “Anh lại về bên sông Vàm Cỏ” của Lưu Cầu, “Vàm Cỏ thương nhớ” của Duy Hồ…
Bài “Vàm Cỏ Đông” nói lên tiếng lòng của những người con miền Đông Nam Bộ vững lòng trong kháng chiến chống thực dân Pháp rồi chống đế quốc Mỹ: “Vàm Cỏ Đông đây, Vàm Cỏ Đông đây/ Ta quyết giữ từng mái xuồng tấm lưới cây dầm/ Từng con người làm nên lịch sử/ Và dòng sông trong mát quanh năm…”.
Nhà thơ Đỗ Anh Vũ chia sẻ: “Đời sống với bao bộn bề cứ trôi đi và các dòng sông vẫn miệt mài bền bỉ chảy. Thi ca và âm nhạc nói về dòng sông mà thực chất cũng là để nói về số phận con người, số phận dân tộc với bao thăng trầm lịch sử. Sự trở về bên những dòng sông đôi khi sẽ là liều thuốc tinh thần quý giá, gột rửa cho ta bao nỗi muộn phiền.
Dòng sông sẽ đưa ta trở về những trong trẻo yên bình với bao mộng mơ của một thời thơ ấu. Bởi “Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình/ Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ/ Con sông tôi tắm mát, con sông tôi đã hát/ Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà/ Sông cũng như người ấy, có khi vui buồn có khi hờn ghen, chỉ tình yêu tuổi thơ mới thấy/ Ôi những con thuyền giấy, tháng năm tuổi thơ đã đi về đâu, để mình tôi nhớ nhung bây giờ (Trở về dòng sông tuổi thơ – nhạc và lời: Hoàng Hiệp).
Xúc động nơi những dòng sông chảy vào đất Việt
Trong số hàng nghìn con sông, có những con sông từ nước ngoài đổ vào Việt Nam. Sông Đà là con sông hung dữ, từ lâu đã trở thành “dòng sông năng lượng”.
Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt tại cột mốc 18 (2), thuộc địa phận xã Ka Lăng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), tạo hóa của tự nhiên đã vẽ nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Cách trung tâm tỉnh Lai Châu gần 300 cây số nhưng phải mất gần 2 ngày đường khách mới đến được Kẻng Mỏ. Muốn đến đây, phải vượt núi sương giăng vượt đèo mây phủ, vượt những cung đường vắt qua vách núi, những cung đường luồn dưới tán rừng già.
Dọc theo tuyến đường từ Thu Lũm, Ka Lăng, Pắc Ma, Tá Bạ xuôi theo bờ sông Đà ở Mường Tè bây giờ có khá nhiều bản làng của người La Hủ, một trong những dân tộc rất ít người được hồi sinh nhờ vào sự chung tay, góp sức của nhân dân khắp mọi miền đất nước. Từ năm 2009, Bộ đội Biên phòng bắt đầu công cuộc hồi sinh người La Hủ bằng việc kêu gọi nguồn kinh phí lập bản, xây nhà tình nghĩa, lên rừng vận động người La Hủ bỏ lều lán về bản, dạy họ trồng lúa nước, chăn nuôi.
Nơi sông Hồng chảy vào đất Việt cũng đặc biệt. Đó là thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai). Không chỉ bởi đó là nơi nhà thơ Dương Soái đã viết để nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc bài “Gửi em ở cuối sông Hồng” suốt bao năm ăn sâu vào tiềm thức người yêu nhạc, mà còn bởi đây là con sông đã mang lại những giá trị tinh thần và vật chất to lớn.
Lũng Pô, theo tiếng địa phương là đầu rồng. Từ đây, suối Lũng Pô đã hòa vào dòng sông Hồng để làm thành ngã ba sông tuyệt đẹp. Sông Hồng còn được gọi là sông Mẹ. Từ đầu rồng Lũng Pô, dòng sông như được phun ra từ miệng rồng, để bao đời dòng nước cứ thao thiết chảy như lời hát trữ tình trùng điệp, bồi đắp phù sa cho lúa thơm trên rẫy, hoa nở trên đồi, cho mùa màng dưới vùng châu thổ. Trước năm 2008, để đến được Lũng Pô phải trải qua nhiều chặng đường nhọc nhằn, vì đường khó đi. Nay đường đi đã dễ hơn, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là dân “phượt”.
Ông Ma Seo Páo – người đã nỗ lực cùng các thành viên trong gia đình, trong bản cải tạo đất, trồng cây, làm nên những mùa màng, làm nên sức sống của Lũng Pô. Bây giờ thì ngô, sắn, lúa, xoài đến mía, chuối, quế, mít… đã góp phần làm cuộc sống nơi biên cương trở nên ấm no hơn.
Ông Páo tâm sự: “Người dân chúng tôi cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ an ninh biên giới, không theo đạo trái phép, chấp hành tốt mọi nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao. Từ một vùng đất hoang, Lũng Pô đã trở thành thôn về đích nông thôn mới đầu tiên của xã A Mú Sung”.
Sông Mã đã đi vào huyền thoại trong thơ, trong quá trình chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt của người dân miền tây xứ Thanh. Dân “phượt” vẫn cho rằng, sông Mã là con sông có tính rong chơi và lãng mạn. Cũng bởi sông có thượng nguồn chính là vùng rừng núi hoang vu của huyện Tuần Giáo (Điện Biên), len lỏi dưới những tán rừng của huyện Sông Mã (Sơn La).
Sông không chịu chảy yên, mà rẽ về nước bạn Lào, “kết duyên” với sông Nậm Ết, Nậm Kản của nước bạn rồi mới về lại Việt Nam ở xã Tén Tằn (huyện Mường Lát, Thanh Hóa). Trên dòng sông Mã, biết bao câu chuyện vừa có thật, vừa liêu trai được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Người dân huyện Mường Lát vẫn truyền tai nhau câu chuyện về người mẹ làm nghề lái bè để lạc mất con thơ, đã đi tìm con qua bao mùa hoa, đến bạc cả đầu cũng không thấy. Một ngày về già, bà tựa lưng vào một tảng đá ven sông và chỗ đó đã biến thành ghềnh thác. Sông Mã hung dữ, nhiều thác lắm ghềnh, nhưng vẫn mang nước về nuôi dưỡng rừng luồng và nuôi dưỡng con người nơi nó đi qua.
Bao con sông vẫn hằng ngày chảy về đất Mẹ. Nơi biên cương Tổ quốc, nơi thượng nguồn sông, mùa xuân trổ thắm, cuộc sống tươi đẹp, mùa màng xanh tốt. Nơi đó có những người lính coi “đồn là nhà, biên giới là quê hương” vững vàng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Họ chính là những người góp phần vẽ hình hài đất nước, để cùng với các dòng chảy, cuộc sống luôn rộn rã những bài ca.