Tết có lẽ là thời khắc thiêng liêng nhất để người người, nhà nhà sum họp. Tết cũng là lúc mỗi con người “Ôn cố – Tri tân”, hướng về nguồn cội với tấm lòng biết ơn tổ tiên, ông bà đã gầy dựng, truyền dạy cho con cháu đời sau những truyền thống văn hóa, những giá trị đạo đức tốt đẹp cũng như hướng về tương lai với niềm tin yêu, sự lạc quan, mong ước những điều tốt lành, may mắn trong năm mới…
Tết nay, lòng tôi thấy nhẹ nhàng hơn, không còn giọt ngắn giọt dài như bao cái tết đã qua, mỗi khi nghĩ về mẹ – Người mà tôi yêu thương nhất trên đời.
Thấm thoát mà 3 năm trôi qua, kể từ cái tết buồn, anh em chúng tôi mất mẹ. Nhớ cái tết năm ấy, cái tết mà đại dịch covid-19 lan tràn đến từng xóm thôn, ngõ ngách.. Biết sự nguy hiểm của đại dịch, anh em chúng tôi vẫn hết sức đề phòng, cẩn trọng vì trong nhà có mẹ đã quá lục tuần. Mẹ tôi là người khỏe mạnh, không bệnh nền. Ngày thường, mẹ hài lòng với công việc buôn bán ở tiệm tạp hóa nhỏ trước nhà, với mấy thứ lặt vặt, linh tinh cho những người trong xóm. Đại dịch tràn về, nên chúng tôi đều muốn mẹ nghỉ bán để tránh tiếp xúc với nguồn lây. Kỹ lưỡng là vậy, nhưng cuối cùng cũng không tránh khỏi. Nhà kế bên có anh hàng xóm làm nghề tài xế. Anh đi nhiều nơi nên kết quả dương tính. Cả nhà tôi cũng bị lây vì 2 nhà sát vách nhau, chỉ cách một cái lưới B40.
Những người trẻ như chúng tôi nhanh chóng vượt qua. Còn mẹ chúng tôi thì …không qua khỏi! Hai mươi bảy Tết, gia đình tôi phủ trùm tang tóc. Mẹ tôi đã trở về từ bệnh viện chỉ vỏn vẹn là một hủ tro cốt! Nước mắt tôi chưa bao giờ ngừng chảy cho đến tận những cái tết năm sau. Cứ đến gần tết là lòng tôi dậy lên một nỗi buồn rưng rức đến nghẹt tim. Tôi nhớ mẹ!.. Những cái tết sau đó, khi thấy chị gái tôi (người giống mẹ nhất từ gương mặt đến dáng đi) lặt lá mai trước sân nhà là tôi lại rơi nước mắt. Nhìn thằng cháu, con của chị sắp cưới vợ vào những ngày cao trào của đại dịch phải đình lại, mà thương không sao nói hết. Nhớ lần đó, nó gọi video call nói chuyện với mẹ trong bệnh viện, lúc mẹ tỉnh lại: “Ngoại ơi, ngoại mau khỏe về đi cưới vợ cho con nghe ngoại!”. Lại nhớ, lúc tôi sinh bé gái nhỏ trước khi dịch covid-19 lây lan, vì tính chất công việc, tôi phải gửi con gái cho bà ngoại, mẹ là người một tay chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho bé. Đến lúc con biết gọi tiếng “Quại, Quại, Quại”.. cũng là lúc tôi tê dại, đau nhói lồng ngực, vì mẹ không còn nữa.
Thời gian đầu khi mẹ mất, tôi rất hận anh hàng xóm, tôi khóc hận anh quá khinh suất để lây bệnh cho cả gia đình tôi, tôi đã không nhìn mặt anh kể từ đó. Cứ đến những cái tết sau đó, cứ nhìn anh nhậu nhẹt, cười nói vậy mà tôi thì mất mẹ, tôi ghét anh vô cùng. Nhưng tết này, sau khi bình tâm lại, tôi mới hiểu điều đó là chẳng ai mong muốn.
Tết này, nhìn hủ dưa kiệu chị tôi làm theo cách mẹ chỉ dạy, rồi đến nồi thịt kho trứng vịt cũng giống mẹ kho, cách chị tôi dọn bàn thờ gia tiên cúng tết, cho đến cái mâm ngũ quả trên bàn thờ… nhìn đâu tôi cũng thấy bóng dáng của mẹ. Tôi hình dung ra bóng mẹ lui cui quét sân, mẹ nhón chân lặt từng lá mai, nâng niu từng nụ hoa vì sợ nó gãy.. Đưa mắt nhìn ra hàng ba, tôi lại thấy bóng dáng mẹ hì hụi dời từng chậu hoa cúc, hoa vạn thọ cho đều hai bên lối đi, tưởng chừng nghe vang vang giọng mẹ: “Bông thọ năm nay đẹp quá!”. Đó là những chậu bông vạn thọ từ chính tay mẹ trồng. Năm nào cũng vậy, mẹ cứ canh khoảng tháng 10, khi gió bấc hiu hiu, nước lũ vừa rút là mẹ lại gieo bông vạn thọ. Rồi cứ canh theo sự lớn lên của cây mà ngắt đọt để cây được đâm nhiều chồi, cho nhiều bông. Tới khi hết tết, mẹ ngắt những bông thọ già đem phơi khô, để dành đến tết năm sau lại trồng. Mẹ trồng bông tết rất mát tay nên tết năm nào nhà tôi cũng rực rỡ sắc màu vàng, đỏ của hoa vạn thọ. Mỗi khi đến rằm tháng chạp, mẹ canh tiết trời để lặt lá mai, mẹ nói phải canh theo bông theo nụ mà lặt, nếu trời lạnh, thì rằm hoặc 20 tháng chạp mới lặt, để mai nở đúng ba ngày tết. Nhờ vậy mà năm nào cây mai cũng bung nở vàng rực đúng ngày mùng một. Mẹ nói mai nở được vậy thì nhà mình có một năm may mắn lắm. Mẹ không chỉ dạy gì nhiều, nhưng chúng tôi đều đã quen với những điều thân thuộc đó mà nhớ và làm theo.
Tết nay, trước hiên nhà tôi cũng rợp sắc màu hoa mai, hoa vạn thọ, nhưng đó là những chậu hoa do chính tay chị tôi trồng, lặt. Ngày 30 Tết, nhà tôi cũng có mâm cúng rước ông bà như lúc mẹ còn sống, vẫn có thịt kho, dưa kiệu, khổ qua hầm, các loại bánh mứt được làm từ công thức của mẹ. Tôi nhìn ngắm những thứ quen thuộc ấy và nhìn anh trai, chị gái tôi, các con cháu tôi, tôi thấy một sự an ủi nhẹ lòng. Bởi vì, tôi hiểu rằng, không ai tránh được quy luật sinh tử của cuộc đời. Và tôi thấy mẹ vẫn hiển hiện quanh đây, trong gương mặt của chị, trong tiếng nói của anh, dòng máu của mẹ luôn chảy trong bản thân mỗi người chúng tôi, những giá trị văn hóa tốt đẹp của ngày tết cũng như cách sống, lối ứng xử tử tế của mẹ đã truyền dạy cho anh em chúng tôi vẫn được lưu giữ. Chúng tôi vẫn tự hứa với mẹ rằng sẽ sống tử tế, xứng đáng với công sinh thành, dưỡng dục của mẹ và những điều tốt đẹp mà mẹ đã truyền dạy cho chúng tôi lúc sinh thời.
NGUYỄN KIM BÔNG
TP Cao Lãnh, Đồng Tháp