Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có khí hậu cận nhiệt đới nóng ẩm, đất đai giàu dinh dưỡng, hệ thống sông ngòi dày đặc, lượng nước ngọt dồi dào, diện tích canh tác lớn và bằng phẳng… nên rất phù hợp cho việc thâm canh cây lúa. Về miền Tây Nam Bộ vào mùa lúa chín, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng và choáng ngợp vì cảnh sắc nơi đây đẹp như tranh vẽ. Những cánh đồng vàng rực cò bay mỏi cánh giữa ánh nắng chan hòa lấp lánh. Những đợt sóng lúa rì rào lượn theo từng cơn gió bát ngát đùa vui. Mây trắng xốp giăng từng cụm bồng bềnh trên nền trời cao xanh khoáng đạt. Con sông hiền hòa xôn xao tiếng chèo khua rộn vang sóng nước…
Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, chiếm gần 60% sản lượng lúa và hơn 90% sản lượng xuất khẩu gạo trên cả nước. Những cánh đồng lúa Tây Nam Bộ trải dài qua 13 tỉnh, thành gồm: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Người Tây Nam Bộ trồng lúa chủ yếu theo hình thức gieo sạ với hai vụ chính là vụ chiêm (vụ đông xuân) và vụ mùa (vụ thu đông).
Vụ mùa thường bắt đầu từ tháng 5 – 6 và thu hoạch vào cuối mùa mưa, khoảng tháng 11. Vụ chiêm sẽ bắt đầu khi vụ mùa vừa kết thúc, khoảng cuối tháng 11 – đầu tháng 12 và thu hoạch vào đầu tháng 4. Ngoài ra còn có thêm vụ 3 (vụ hè thu) bắt đầu gieo sạ từ đầu tháng 4 và thu hoạch vào tháng 8 với diện tích lúa gieo trồng ít hơn 2 vụ trên.
Xưa kia, tới mùa lúa chín, người nông dân lại mang nông cụ ra đồng gặt lúa bằng tay. Vì gặt thủ công nên họ phải đi từ tờ mờ sớm để khi nắng gắt thì việc đồng áng cũng đã xong. Ở khâu thu hoạch lúa quy mô nhỏ, người Tây Nam Bộ vẫn dùng liềm để cắt lúa trên những thửa ruộng có diện tích bé hoặc cắt liềm khi lúa bị ngã đổ.
Tuy nhiên nhiều nơi cũng đã chuyển sang dùng máy cắt lúa cầm tay chạy bằng xăng, tiện lợi và năng suất. Ở khâu lấy hạt thủ công, người dân sẽ cầm bó lúa đập vào thang tre cho hạt lúa rơi vào bồ. Chiếc bồ cao lớn và có lưới bao quanh để tránh cho các hạt lúa văng ra ngoài.
Nếu thu hoạch quá muộn, thóc vàng nằm lâu trên đồng dễ bị côn trùng, chim chuột cắn phá, cây lúa dễ bị đổ nghiêng ngả và giảm năng suất. Thường cả cánh đồng lúa sẽ không thể chín đều nhau, những hạt lúa ở nhánh gié cấp 1 sẽ chín trước còn lúa ở nhánh gié cấp 2, cấp 3 sẽ chín sau.
Vì vậy, bà con phải lựa lúc mà lúa ở cả cánh đồng đạt độ chín hài hòa nhất, họ sẽ gặt vào thời điểm một tuần trước khi cả cánh đồng lúa chín hoàn toàn. Như vậy sẽ có ít nhất 85% hạt lúa tốt, đạt tiêu chuẩn.
Người dân miền Tây Nam Bộ rất có kinh nghiệm trong việc xác định thời điểm thu hoạch để tối đa hóa được số lượng và chất lượng thóc.
Sau công đoạn này, người nông dân còn phải đem lúa ra phơi dưới nắng cho hạt lúa khô, khỏi bị mốc. Họ cào lúa phơi trên sân và rải rơm phơi ngoài ngõ. Sân nhà ai cũng vàng ươm màu lúa đượm vàng, con đường và bờ kênh nào cũng êm ả những tấm thảm rạ rơm.
Nhưng ngày nay không còn nhiều cảnh người nông dân lui cui đốt rơm như xưa, thay vào đó là chiếc máy cuộn rơm cần mẫn chạy nhàn hạ. Rơm sau khi được cuộn lại thành từng cuộn dài sẽ được chất lên thuyền ghe để đến những nơi sử dụng chúng hữu ích, dùng làm phân hữu cơ hoặc nuôi nấm rơm rất chóng lớn.
Tạp chí Heritage