Mùa nước nổi (từ tháng 9 – tháng 3), diện tích lòng hồ ngập nước, thuyền bè di chuyển, thả lưới, bắt tôm, bắt cá… diễn ra vô cùng nhộn nhịp. Đến mùa nước rút, khung cảnh sông nước mênh mang, thuyền bè rẽ sóng trên nền nước màu ngọc bích sẽ được thay thế bằng những mảnh ruộng hẹp, chạy dài vàng óng ả của những bông lúa chín.
Những ngày đầu tháng 6 này, đối với người dân thị xã Mường Lay, đây là thời điểm thu hoạch lúa trên diện tích bán ngập. Ruộng bán ngập tập chung chủ yếu ở phường Na Lay, với diện tích hơn 30ha. Vì là ruộng bán ngập, người dân ít tốn công chăm sóc, đặc biệt là khâu cung cấp phân bón, bởi sau mỗi mùa nước rút, diện tích ruộng bán ngập đều được bồi đắp một lượng phù sa màu mỡ. Chính điều này đã tạo nên năng suất, chất lượng cao cho cây trồng, trung bình đạt 58 tạ/ha. Góp phần không nhỏ đảm bảo lương thực cho các hộ dân ở Mường Lay.
Những năm qua, tùy thuộc vào thời gian mùa nước nổi, mùa nước rút, người dân Mường Lay tích cực lao động, sản xuất, ăn theo đất, ăn theo nước nên cuộc sống ngày càng phát triển. Chị Lò Thị Hường, bản Quan Chiên, phường Na Lay chia sẻ: Nhà có hai sào ruộng, nhờ đất được bồi đắp phù sa nên sản lượng cao, năm nay thu hoạch được 40 bao. Nhờ diện tích lúa bán ngập mà gia đình không lo thiếu gạo ăn trong năm.
Sau khi thu hoạch xong, những gia đình có diện tích ruộng gần mép lòng hồ sẽ tiến hành trồng ngô, rau… để tăng thêm thu nhập. Khu vực có diện tích ruộng cao hơn, ngoài vụ lúa đầu mùa nước cạn, khi lúa vụ đầu gần thu hoạch, người dân sẽ tiến hành gieo mạ. Lúa chín thu hoạch xong sẽ lập tức làm đất, cấy lúa để kịp thời vụ.
Nhờ diện tích ruộng bán ngập, đời sống các hộ dân ngày càng nâng cao, những ngày qua, trong cái nắng gay gắt, cháy da cháy thịt, các hộ dân thị xã Mường Lay tích cực thu hái, phơi lúa, tiếng trò chuyện, tiếng máy suốt ròn rã dưới lòng hồ, cùng mùi thơm lúa mới đã tạo nên khung cảnh tấp nập, no ấm của mùa vàng dưới lòng hồ nơi ngã ba sông.