Lãi 17 triệu đồng/lượng
Đầu năm nay, chị Đỗ Thu Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) có một khoản tiền tiết kiệm gần 200 triệu đồng. Chị Hồng quyết định không gửi ngân hàng mà chuyển qua mua vàng. Theo chị nhẩm tính, nếu mua vàng mỗi năm cũng lời vài triệu đồng, để càng lâu vàng có giá rất cao.
Chị Hồng chọn mua vàng nhẫn vì mức giá rẻ hơn và thường biến động theo giá vàng thế giới. Với số tiền tiết kiệm gần 200 triệu đồng, chị mua được 3 lượng vàng.
Sau khi chị Hồng mua, giá vàng trong nước liên tục biến động mạnh, tăng vọt theo thị trường thế giới. Nếu như mới đầu tháng 1, giá vàng nhẫn khoảng 65 triệu đồng/lượng thì đến tháng 3, giá vàng nhẫn vọt lên mốc mới, vượt đỉnh 69 triệu đồng/lượng. Ngày 10/3, giá vàng nhẫn lên 71 triệu đồng/lượng.
Thời điểm tháng 5/2024, giá vàng SJC lên đỉnh 92 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn giao dịch ở mức 74,6-76,3 triệu đồng/lượng (mua – bán). Ngày 20/5, gía vàng nhẫn tiến sát mốc 78 triệu đồng/lượng.
Từ tháng 6/2024, 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và Công ty SJC bán vàng miếng SJC để bình ổn thị trường. Do khó mua được vàng miếng SJC, nhà đầu tư chuyển qua mua vàng nhẫn. Giá vàng miếng SJC không có biến động mạnh, nhưng vàng nhẫn liên tục được điều chỉnh cùng nhịp với diễn biến thế giới.
Ngày 13/9, giá vàng vượt ngưỡng 79 triệu đồng/lượng. Vài ngày sau đó (20/9), giá vàng nhẫn lập kỷ lục mới trên 80 triệu đồng/lượng (bán ra).
Nếu tính từ đầu năm, giá vàng nhẫn khoảng 61,9-62,95 triệu đồng/lượng, người mua đã lãi 17 triệu đồng/lượng. Như vậy, chị Hồng đã có thêm hơn 50 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn nếu so với gửi tiết kiệm.
Trong khi đó, giá vàng SJC ít biến động. Ngày 20/9, giá vàng miếng 9999 tại SJC là 80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 82 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji niêm yết ở mức 80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 82 triệu đồng/lượng (bán ra).
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương đánh giá khả năng sinh lời của vàng nhẫn trong tương lai vẫn lớn, có thể mua tích trữ nhưng nên căn thời điểm mua thích hợp.
Vàng thế giới tăng vùn vụt, vượt mốc 2.600 USD/ounce
Giá vàng trên thị trường thế giới đạt mức cao kỷ lục mới trên 2.594 USD/ounce sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định mạnh tay cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản.
Căng thẳng khu vực Trung Đông lên cao khiến giá vàng tăng vọt lên 2.617 USD/ounce. Tới phiên cuối tuần, mức kỷ lục mới lại được thiết lập, giá vàng lên 2.625,79 USD/ounce.
Trong lịch sử, kim loại quý chưa bao giờ đạt được nhiều kỷ lục về giá cao mọi thời đại trong thời gian ngắn như vậy. Giá vàng đã tăng 27% kể từ đầu năm 2024 đến nay, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2010.
Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ và nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương thế giới, lo ngại về địa chính trị thúc đẩy giá vàng liên tục tăng lên các mức cao kỷ lục mới.
Patricia Mohr, một nhà kinh tế độc lập, cho biết Fed muốn đảm bảo hạ cánh nhẹ nhàng cho nền kinh tế Mỹ, cùng với hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương khác thúc đẩy nhu cầu mua vàng.
Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại StoneX Group, cho biết giá vàng đang trong xu hướng tăng mạnh về mặt kỹ thuật. “Các ngân hàng trung ương lớn như Fed sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm lãi suất, căng thẳng địa chính trị đang diễn ra và hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương tác động tích cực tới giá vàng”, Razaqzada cho biết.
Dự báo về giá vàng thời gian tới, Razaqzada cho rằng khó có thể đạt được mốc 3.000 USD/ounce, nhưng đây là mục tiêu dài hạn. Theo chuyên gia này, nhà đầu tư nên chuẩn bị một số biến động của giá vàng trong thời gian tới. Thị trường có thể diễn ra vài đợt chốt lời. Tuy nhiên, khi giá vàng hạ về mức thấp lại là cơ hội mua dài hạn.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/mua-vang-nhan-cat-ket-khong-ngo-lai-dam-2324555.html