Cơn mưa kéo dài từ tối 22/9 đến sáng 23/9 khiến nhiều tuyến đường tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) ngập nặng, nhiều phương tiện bị chết máy.
Theo ghi nhận của phóng viên, điểm ngập nặng nằm trên các tuyến đường Duy Tân, Phạm Đình Toái, Đại lộ Lê Nin, Lý Thường Kiệt, Lê Hoàn, Dương Vân Nga, Đinh Công Tráng… Nước dâng cao, có đoạn ngập nửa bánh xe khiến các phương tiện di chuyển rất khó khăn, có phương tiện bị chết máy.
Trước tình hình này, nhiều trường tại thành phố Vinh như Trường Phổ thông thực hành sư phạm Trường Đại học Vinh, Trường Trung học cơ sở Lê Mao, Trường Trung học cơ sở Nghi Kim, Trường Trung học cơ sở Hưng Bình, Trường Trung học cơ sở Hưng Dũng, Trường Tiểu học Nghi Phú… thông báo học sinh nghỉ học trong ngày 23/9 và sẽ có kế hoạch học bù để đảm bảo an.
Trước đó, để chủ động ứng phó với thiên tai, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có văn bản gửi các Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở trực thuộc cảnh báo về mối nguy hiểm của cơn bão số 4. Sở yêu cầu các trường học theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt, kịp thời triển khai ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, thường xuyên giữ liên lạc với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, lực lượng cứu hộ địa phương.
Các vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở, vùng thấp trũng, trên đường đến trường, học sinh phải qua cầu, ngầm, tràn không đảm bảo an toàn, nhà trường chủ động cho học sinh nghỉ học tùy diễn biến của mưa lớn tại địa phương. Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, trường hợp có học sinh ở lại tại trường, Sở yêu cầu các đơn vị quản lý chặt chẽ, không để các em tự ý ra khỏi khu vực trường trong thời điểm mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất xảy ra.
Các trường thuộc hạ lưu thủy điện cần sẵn sàng phương án ứng phó trong trường hợp nhà máy thủy điện xả lũ, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Sở cũng yêu cầu, các nhà trường đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất công trình trường học. Ở những nơi có nguy cơ ngập lụt cần di dời máy móc, trang thiết bị dạy học, tài liệu thư viện lên tầng cao hoặc đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để đảm bảo an toàn tài sản. Các trường thực hiện cắt, tỉa các cây có nguy cơ đổ, gãy; kiểm tra hệ thống phòng học, phòng chức năng, đường điện… để có biện pháp phòng ngừa.
Baotintuc.vn
Nguồn: https://baotintuc.vn/xa-hoi/mua-to-nhieu-tuyen-duong-o-thanh-pho-vinh-ngap-sau-20240923093335103.htm