Nghệ AnTháng 7-8, người dân huyện Kỳ Sơn vào rừng hái quả bo bo mọc tự nhiên, hoặc thu hoạch cây trồng, bán 5.000-7.000 đồng/kg để làm dược liệu.
Chiều đầu tháng 8, chị Moong Thị Vân, 43 tuổi, trú xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, cùng hai con gái mang gùi, bì tải và dao phay đi vào rừng cách nhà 2 km hái bo bo. Đây là công việc thời vụ của gia đình chị mỗi dịp thu về.
Khu rừng rộng hàng chục ha ở xã Huồi Tụ có nhiều cây bo bo mọc dưới tán cây lấy gỗ. Cây cao khoảng 2 m, lá dài 10-40 cm, khi hái phải dùng gậy hoặc dao có mỏ neo ngoắc vào cành kéo xuống, chặt lấy đoạn có quả. Quả bo bo tròn, đường kính 2-3 cm. Người dân thường tách quả ngay rồi bỏ vào gùi tre mang về.
Hai tuần qua, mỗi lần vào rừng chị Vân luôn mang cơm và thức ăn. Buổi trưa, chị trải bì tải rồi cùng hai con ngồi bệt giữa rừng ăn và nghỉ ngơi vài chục phút, sau đó tiếp tục công việc. Với những cây bo bo tán rộng, sai quả, ba mẹ con cùng thu hái. Trung bình một ngày, mỗi người hái được 20-30 kg bo bo.
“Hái bo bo trên cây đơn giản, song khi gùi về nhà thì khá vất vả, bởi đường đồi núi dốc, phải di chuyển qua sông suối nên cần tập trung và giữ thăng bằng. Nếu không may trượt chân ngã rất dễ chấn thương, quả cũng đổ hết”, chị Vân nói.
Người dân vùng cao Nghệ An trồng lúa chỉ được một vụ, lúc nông nhàn thường đi làm thuê như phụ hồ, bốc vác, một số vào miền Nam mưu sinh. Mẹ con chị Vân thì lên rừng hái bo bo kiếm thêm thu nhập.
Ông Mùa Bá Chư, 52 tuổi, trú xã Tây Sơn, cho biết ngoài hái quả từ rừng tự nhiên, người dân cũng tận dụng đất đồi trọc trồng mỗi hộ 1-3 ha cây bo bo. Từ lúc trồng cây giống đến khi ra trái khoảng 2-3 năm, hết mùa thu hoạch cây già sẽ khô và chồi non phát triển, vòng đời 6-7 năm.
“Gia đình tôi trồng 5 ha bo bo. Năm nay được mùa, một ha đạt năng suất 30 tạ quả tươi, dự kiến cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng”, ông Chư nói.
Sau khi hái, người dân rửa sạch, cho vào nồi chuyên dụng luộc 15-20 phút, sau đó vớt ra để nguội, bóc vỏ lấy hạt. Ngoài thành viên trong gia đình, một số hộ còn thuê người, trả gần 200.000 đồng mỗi ngày công.
Hạt bo bo sau khi tách vỏ được phơi khô dưới nắng 3-4 ngày. Những lúc trời mưa hoặc không có nắng, người dân thường sấy khô trên bếp củi. Cứ 10 kg quả bo bo tươi sau khi bóc tách, phơi khô được 3-4 kg hạt.
Hàng ngày thương lái lái xe máy vào các bản làng ở huyện Kỳ Sơn thu mua bo bo. Một kg quả tươi giá 5.000-7.000 đồng, hạt sấy khô 40.000-50.000 đồng. “Mỗi ngày tôi mua khoảng 5 tạ hạt bo bo khô. Hàng được đem về huyện Quế Phong tập kết theo đặt hàng của đối tác”, chị Lô Thị Thanh, 32 tuổi, thương lái ở xã Huồi Tụ nói. Bo bo được chuyển ra Bắc nhập đối tác làm dược liệu.
Toàn huyện Kỳ Sơn có hơn 1.000 ha bo bo, trong đó diện tích khoanh nuôi bảo vệ 672 ha, cây do người dân nhân rộng hơn 250 ha, tập trung tại các xã như Huồi Tụ, Tây Sơn, Na Ngoi, Nậm Càn, Nậm Cắn… Năm 2022, tổng sản lượng hạt bo bo của huyện đạt 722 tấn, mang lại thu nhập khá cho nhiều gia đình.
Ngoài Kỳ Sơn, bo bo cũng mọc tự nhiên và trồng nhiều tại các huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu. Năm 2015, nhà chức trách có đề án trồng và khoanh nuôi, bảo tồn cây này tại các huyện trên, với diện tích hàng trăm ha. Đây được xem là cây xóa đói giảm nghèo của người dân vùng cao Nghệ An.
Cây bo bo còn có tên là ý dĩ, ý dĩ nhân, ý mễ, lục cốc tử, mễ nhân; một số vùng gọi là cườm gạo. Theo Đông y, bo bo vị ngọt nhạt, có tác dụng thanh nhiệt, bổ phổi, thường dùng chữa viêm đường tiêu hóa, tiêu chảy, viêm ruột thừa…
Hạt bo bo dược liệu này khác với hạt bo bo (sorghum) – còn gọi là lúa miến hay cao lương – hàng chục năm trước người dân thường dùng làm lương thực.