Trời vừa sẫm tối, anh Nguyễn Văn Bình, 38 tuổi, ngụ thị xã Hoà Thành, chuẩn bị hành trang cho buổi đi bắt ve sầu. Hành trang của anh chẳng có gì ngoài một chiếc đèn pin đã sạc đầy điện, một hũ nhựa nhỏ đã qua sử dụng. Trước khi đi, người đàn ông này đổ vào hũ nhựa một ít nước muối pha loãng.
“Nước muối có tác dụng làm cho ve mau chết và loại bỏ ký sinh trùng trên cơ thể ve trước khi chế biến chúng thành thức ăn”- anh Bình giải thích. Chuẩn bị xong hành trang, anh Bình lên chiếc xe gắn máy cà tàng di chuyển về phía những cánh rừng thiên nhiên trong nội ô Toà thánh Cao Đài Tây Ninh (phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành).
Trong những khu rừng này có nhiều cây cổ thụ cao cả chục mét, bề vòng thân cây to cỡ 2 người lớn vòng tay ôm không giáp, ước tính cả trăm năm tuổi. Xen kẽ quanh những cây cổ thụ đó là nhiều cây rừng có kích thước nhỏ hơn, cao khoảng 5-7 mét.
Bên cạnh khu rừng thiên nhiên là một số khu vườn tràm bông vàng, vườn cao su đang kỳ thu hoạch mủ. Trong những khu rừng này có hàng chục thanh thiếu niên khác cũng đang miệt mài săn bắt ve. Có người cầm trên tay thùng nước muối, có người cầm theo chiếc bọc ni-lông.
Họ dùng đèn pin rọi vào các gốc cây tìm bắt những chú ve vừa lột xác. Từ dưới mặt đất, những chú nhộng thân đen trùi trũi, to bằng ngón tay út người lớn chậm chạp bò lên thân cây. Khi cách mặt đất khoảng 50-70cm, chúng dừng lại để chờ lột xác. Đấy cũng là lúc những người săn ve thích nhất. Họ nhẹ nhàng đến tóm cổ chú nhộng, cho vào thùng nước muối, bọc ni-lông.
Chú nhộng nào không bị tóm, sau một lúc khoảng 10 phút, vỏ nhộng từ từ tách đôi, một chú ve non nớt chui ra khỏi vỏ. Đôi cánh nhỏ bé, ngắn ngủn dần dần lớn lên, dài ra rõ rệt. Dưới ánh đèn pin, đôi cánh trắng hiện lên trong veo. Những chú ve vừa chào đời cũng nằm trong tay thợ săn ve. Những côn trùng xấu số này bị bỏ vào nước muối. Chúng ngọ nguậy một lúc rồi nằm im.
Đi bắt ve không tốn nhiều công sức như tôi nghĩ. Người săn ve chỉ cần di chuyển loanh quanh trên một diện tích rừng khoảng 100m2. Sau khi tìm hết các gốc cây trong khu vực thì quanh trở lại gốc cây đầu tiên và cứ thế lặp lại chu kỳ tìm, bắt.
Cơn mưa đêm bất ngờ ập đến, khiến anh Bình và nhiều người khác phải kết thúc sớm buổi săn ve so với dự định. Mặc dù vậy, mỗi người đều thu hoạch vài chục chú nhộng, chú ve. Anh Bình đem những côn trùng này về nhà lặt cánh, rửa sạch lại một lần nữa. Sau đó, anh ướp một số gia vị và cho vào chảo dầu đang sôi.
Một món ăn dân dã sắp hoàn thành. Anh Bình kể, hàng chục năm nay, năm nào cũng vậy, cứ sau vài cây mưa đầu mùa là anh và một số thanh niên trong xóm đi bắt ve. Có khi bắt được cả tô, hôm nào thất bát thì cũng kiếm được vài chục con. Loại côn trùng này rất ngon, thịt béo, có nhiều dinh dưỡng, phù hợp cho việc chế biến thành thức ăn trong bữa cơm gia đình hoặc làm mồi nhâm nhi cho vui với bạn bè.
Trên thế giới có khoảng 2.500 loài ve sầu. Chúng sống trong vùng ôn đới lẫn nhiệt đời. Ve sầu được nhiều người biết vì kích thước to lớn, hình dáng đặc biệt có đầu lớn và khả năng tạo âm thanh suốt mùa hè.
Ở khu vực dãy núi Appalachian, người dân Hoa Kỳ gọi ve sầu là ruồi khô, vì xác ve sau khi lột còn nguyên hình và khô. Ve sầu không chích, không cắn và vô hại đối với con người. Ve sầu cũng được dùng làm thuốc Đông y.
Đại Dương