Trưa 17/5 tại xã Tân Dân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, đã xảy ra một vụ cháy ô tô, với nguyên nhân ban đầu được xác định là do trong quá trình di chuyển, xe cuốn theo rơm rạ người dân phơi ngoài đường, kết hợp thời tiết nắng nóng nên bốc cháy.
Theo thông tin ban đầu, ngay khi phát hiện cháy xe, người dân và chính quyền địa phương đã phối hợp dập lửa. Rất may vụ cháy không gây thương vong về người.
Khi ô tô hoạt động, nhiệt độ tại cổ ống xả rất cao, có thể gây cháy bất kỳ lúc nào có rơm, rạ vướng vào. Nguy cơ cháy với ô tô cũ cao hơn xe mới, do có nhiều vết dầu mỡ tích tụ lâu ngày ở bên ngoài các bộ phận dưới gầm xe.
Ở những nơi rơm rạ được phơi thành lớp dày trên mặt đường, ô tô còn có nguy cơ bị rơm rạ cuốn vào gây kẹt bánh xe. Trong tình huống này, tài xế càng đạp ga, động cơ càng tăng nhiệt, và hơi nóng sẽ khiến cho rơm rạ bốc cháy nhanh hơn.
Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn việc phơi rơm rạ trên đường, các tài xế nên chủ động phòng tránh nguy cơ cháy xe.
Trước tiên, khi lái xe cần tránh hết mức có thể các loại rơm rạ phơi trên đường.
Trong trường hợp bất khả kháng, người lái nên tắt điều hòa, hạ kính khi đi qua đoạn đường có phơi rơm. Sở dĩ phải hạ cửa kính vì đã có không ít trường hợp tài xế không nghe thấy tiếng người đi đường báo có khói bốc ra từ xe, nên bỏ lỡ thời điểm “vàng” để phòng cháy, chữa cháy.
Sau khi đi qua đoạn đường phơi rơm rạ, người lái nên dừng ô tô để xuống kiểm tra, gỡ rơm rạ cuốn vào gầm xe và gần ống xả (nếu có).
Ngoài ra, để tránh nguy cơ cháy xe do rơm rạ hoặc giấy rác bắt lửa từ hệ thống xả, trước mỗi chuyến đi, nên vệ sinh máy và xịt gầm ô tô cho sạch các vết dầu mỡ đọng, thay vì chỉ rửa xe thông thường.
Không chỉ ô tô, ngay cả xe máy đi qua khu vực có rơm rạ phơi trên đường cũng cần hết sức thận trọng, vì bên dưới rơm rạ có thể “giấu” hòn gạch hay khúc gỗ, khiến xe bị trượt bánh, người điều khiển loạng choạng tay lái rất nguy hiểm.
Nguồn: https://dantri.com.vn/o-to-xe-may/mua-phoi-rom-ra-nguy-co-chay-o-to-vi-bat-can-chu-quan-20240517150459790.htm