Mỗi độ tháng 9 – 10, nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong ào ạt đổ về miền Tây. Nước dâng cao làm ngập làng quê, biến cánh đồng trắng xóa mênh mông và làm nỗi nhớ nhà cứ rưng rưng không dứt…
Tuổi thơ tràn trề mùa nước lũ…
Người miền Tây quê tôi có câu: “6 tháng đạp đất đồng khô, nửa năm đi trên mặt nước” để nói về chu kỳ con nước của sông Cửu Long. Xa nhà lên Sài Gòn hơn chục năm có lẻ, nhưng mỗi khi đài báo tin mùa nước nổi, lòng tôi vẫn nôn nao. Ký ức tuổi thơ như ùa về, vẹn nguyên như thuở nào. Nhà tôi ở tận xã vùng sâu xa lắc, đi học cấp ba phải ra thị trấn và qua một con phà nhỏ. Mùa lũ, nước chảy cuồn cuộn trôi cả chiếc phà nhỏ bé cách xa bến cả cây số. Vậy mà chẳng đứa nào sợ mà còn hân hoan vì đi học trễ có lý do đàng hoàng, không sợ cô giáo la.
Người dân quê tôi đón lũ như thể đón người bạn phương xa trở về. Và không biết tự bao giờ, cụm từ “sống chung với lũ” được họ gọi thân thương, hào sảng như thế! Khoái nhất những hôm không đi học, chúng tôi chèo xuồng cùng người lớn ra đồng giăng lưới, đặt lờ kiếm cá. Cái mênh mông của cánh đồng loang loáng nước, cái chót vót của cội thốt nốt già rồi tiếng cá đớp mồi làm đứa nào cũng mê tít.
Mùa nước nổi là mùa bội thu vì tôm cá từ thượng nguồn đổ về nhiều không kể xiết nên vừa buông tay lưới hay đặt lợp, giăng câu… chốc ngoảnh lại đã thấy nặng tay. Cơ man các loại cá đồng như cá linh non, cá rô, cá lóc, cá trê, cá sặc, cá chạch… rồi lươn, rùa, rắn nên chẳng mấy chốc đã đầy xuồng.
Bắt chuột đồng là “ngón nghề” mà bọn con trai rành “sáu câu vọng cổ”. Nước trắng đồng, những con chuột no nê thóc lúa phải tìm đến gò đất cao, nhánh tràm để trú ẩn nên rất dễ bắt. Nhẹ nhàng hơn, tụi con gái buông cần câu cá rô bí, cá rô mề, nhiều khi hên còn “nhấp” được cả cá lóc, cá trê. Tuy không phải là tay “sát cá” nhưng đứa nào cũng hoan hỉ giật cần đến mỏi tay.
Đến đoạn có hàng bông điên điển trổ vàng rực, cả đám háo hức hái rồi nô đùa rộn rã một khúc sông. Tất nhiên, những cọng bông súng mập ú, màu xanh, màu tím đủ cả cũng không thoát khỏi tầm tay vì đây là nguyên liệu cho bữa cơm chiều thiệt ngon lành.
…và những món ngon “vạn người mê”
Sau buổi giăng nắng bắt cá, tắm đồng, chiến lợi phẩm mang được mẹ tôi hô biến thành những món ngon hấp dẫn. Ở nhà quê thời ấy, khi thịt heo, thịt bò được coi là thứ xa xỉ vì mắc mỏ thì một xuồng đầy tôm cá mùa lũ với chúng tôi là bữa ăn đáng mơ ước. “Cặp bài trùng” cá linh – bông điên điển dù nấu riêng hay kết hợp chung đều rất ngon. Đầu con nước, cá linh non xương mềm, thịt ngọt nên kho tiêu, chiên bột hay đổ bánh xèo bông điên điển là số một. Đến cuối mùa lũ, con cá linh lớn bằng ngón chân mập ú, bụng đầy mỡ thì kẹp tre nướng than hồng là hết sẩy.
Chị em tôi mê cảm giác ngồi chực chờ bên tô canh chua cá linh bông điên điển mẹ vừa nấu. Vị ngọt của cá, chua nhẹ của me, thơm giòn và hơi nhẫn của bông điên điển hòa quyện với nhau… làm đứa nào cũng thòm thèm đến miếng cuối cùng. Rồi thêm món lẩu mắm thơm nức mũi nấu với cá rô đồng, cá linh tươi rói, nhúng bông súng, bông điên điển và các loại rau đồng tươi, sạch mới hái… ăn cùng chén cơm gạo mới, “khoái” làm sao!
Nhà có khách quý, chỉ cần con cá lóc bự chảng đang “rộng” trong lu, ra sau hè hái ít lá sen non là xả láng đãi đằng. Cá lóc nướng trui cuốn lá sen ăn non, kèm với rau thơm, khế chua, chuối chát… chấm ngập trong chén nước mắm me chua – cay – mặn – ngọt, nhớ lại thôi cũng ứa nước bọt. Ăn miếng cá lóc nướng, nhón thêm ít bún tươi cuốn vào, dường như cả đất trời mùa lũ đang thấm trong từng giác quan. Sang giả hơn, có thể làm thêm món chuột nướng lu hay khìa nước dừa. Vị ngọt và dai của miếng thịt vàng ươm tẩm ướp khéo, không ăn coi như mất… nửa cuộc đời.
Cuộc sống đổi thay, tôi có dịp ngao du khắp nơi để mở mang tầm mắt, nhưng quê nhà thân thương mùa nước nổi mãi là tài sản quý giá không gì thay thế. Để rồi mỗi khi nước tràn đồng, gác lại mọi bộn bề phố thị, tôi cuống quýt về nhà chèo xuồng hái bông điên điển, đặt lợp, giăng câu… để sống lại quãng thời gian êm đềm nhất cuộc đời, để nghe tiếng vọng cổ ngân vang giữa đồng nước mênh mông. Miền Tây quê tôi trù phú và hào sảng là thế, mời bạn ghé thăm một lần!
(Nguồn ảnh: Internet)
Nguồn: https://www.vietravel.com/vn/non-nuoc-viet-nam/mua-nuoc-noi-nho-mon-an-que-v11395.aspx