(Dân trí) – Đồng bằng sông Cửu Long có một mùa đặc biệt là mùa nước nổi. Từ tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch hàng năm, nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, mang theo phù sa phủ lên những cánh đồng “lớp áo mới”.
Cả làng sống trên nhà sàn, mùa lũ thành mùa “ăn nên làm ra”
Con nước cuồn cuộn từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, nhấn chìm những cánh đồng xanh bát ngát của miền Tây. Nhưng giữa mênh mông sóng nước ấy, làng Chăm Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang vẫn hiện lên như một ốc đảo bình yên, một điểm tựa vững chãi cho hàng trăm bà con nơi đây.
Những ngôi nhà sàn gỗ duyên dáng nép mình bên dòng nước bạc, nối với nhau bằng những cây cầu tạm chênh vênh. Người Chăm ở Đa Phước đã sống chung với lũ từ bao đời nay, họ xem mùa nước nổi là một mùa tất yếu, một món quà mà thiên nhiên ban tặng.
Ông Y Sa đưa đôi mắt nheo nheo, đầy vẻ từng trải: “Nước lên thì lên, nước xuống thì xuống, chuyện thường ngày ở huyện thôi. Dân ở đây quen rồi, cứ nương theo con nước mà sống. Mùa này cá nhiều, cũng là cái thú riêng của miền Tây.”
“Con nước” mà ông Y Sa nói là cách mà người dân miền Tây, đặc biệt là người dân ven sông Hậu dùng để gọi dòng thủy triều. Thủy triều lên thì gọi là con nước lớn, xuống thì gọi là con nước ròng hoặc giả gọi là con nước rong, con nước kém.
Mấy ngày nay, ông không bỏ sót bản tin thời tiết nào của Đài truyền hình An Giang. Hôm nay hàng xóm mời cơm, người đàn ông này không đi vội mà rủng rỉnh thời gian lôi từ trong nhà ra mấy cây tràm gió, ngồi vót đến tận trưa. Dân xứ này thường mời cơm buổi sáng sớm nhưng mùa nước lên, hầu như đều chuyển sang trưa, sau khi nước rút. Đó là một trong những cách họ thích ứng hợp thủy, thuận thiên.
Theo bản tin thủy văn mới nhất, tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn Cửu Long năm nay sẽ cao hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng 10-20%. Mực nước trên sông Hậu sẽ dâng cao nhất năm vào tuần thứ 3 của tháng 10.
Chìa tay tính đến ngày nước về đạt đỉnh là còn chưa tròn 2 tuần, ông Y Sa biết chắc mình phải mua thêm khoảng chục cây tràm gió. Nhẩm xong rồi, ông mở điện thoại gọi thông báo cho mấy anh em trong xóm tìm thêm ván, tập trung bắc cầu tạm nối từ cửa nhà này sang cửa nhà khác, để tất cả các đường đi trong làng đều thông qua nhau. Cây cầu sẽ cao hơn mực nước dự báo khoảng nửa mét.
Nhờ cách tính vượt trước này, dân làng Chăm đi chợ, bọn trẻ con đi học hay khách du lịch đến tham quan đều không phải lội nước hì hục.
Những người sinh ra và lớn lên ở làng Chăm Đa Phước không bao giờ quên được trận ngập lịch sử năm 2000 nước dâng cao trên 3m, đường sá, nhà cửa bị chia cắt. Những ngày này họ chộn rộn theo con nước, tay chân không bao giờ ráo. Nhưng cũng nhờ vậy mà ai nấy thuận thời đánh bắt ngư sản.
“Ngập thì mình cực một chút nhưng nước về chừng nào thì cá tôm theo về nhiều chừng ấy. Tôi nhớ có năm nước lên sát lan can nhà, chỉ cần ra trước cửa quăng xuống một ít cơm nguội là cá sẽ lên trắng trời, bắt vài phút đã dư sức cho một bữa cơm”, ông Y Sa nhớ lại.
Hơn 400 ngôi nhà sàn ở làng Chăm từ ấy đều lấy mực nước dâng năm 2000 làm chuẩn, dựng cao hơn chứ không thấp hơn 3m.
Dân ở làng này không rành những con số khoa học như: Nước từ sông Mekong mang về cho ĐBSCL bao nhiêu triệu tấn phù sa, họ cũng chẳng màng lượng phù sa ấy giúp cho đồng bằng mình hàng năm tiến ra biển bao nhiêu mét. Với họ, có lũ về, phù sa mới về.
Khi nước từ sông lớn đổ về, dân làm nông sẽ mừng vì ruộng được rửa, dân lận đận làm thuê sẽ mừng vì tìm ra sinh kế kéo dài không quá 3 tháng, mỗi ngày kiếm ít nhất hai trăm nghìn đồng.
Ông Y Sa kể, có những đoàn khách du lịch ghé đến làng Chăm, nghe người dân giới thiệu làng đang vào mùa lũ, ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy họ “sống với lũ” sao mà thiết tha, gần gũi.
Bọn trẻ ở làng Chăm hầu như đều xem con nước là bạn, mỗi năm về thăm làng, mang theo cá tôm nhiệt tình mà không muốn cũng phải nhận. Con nước có năm chỉ ngấp nghé cửa nhà. Có năm vào tận cửa buồng, góc bếp và không có gì cản được.
Thế nhưng, ấy là chuyện của ngày trước. Sự hình thành của những con đập đã làm nhịp lũ hàng năm theo chu kỳ của tạo hóa bị thay đổi, dòng chảy đổ về sông Hậu không còn nhiều. Thậm chí, ông Y Sa nhớ có năm nước dâng không khỏi mắt cá chân.
“Trước mắt tôi thấy nước về trễ so với mọi năm nhưng tốc độ dâng rất nhanh. Theo đài dự báo, nước sẽ lên cao hơn những năm trước nhưng chắc không phải mực nước của những năm lịch sử”, ông Y Sa nói.
Cuộc sống “hạ bạc” giữa dòng nước
Không chỉ người dân làng Chăm, cư dân vùng biên giới An Giang cũng xem mùa nước nổi là mùa thay đổi phương thức canh tác. Khi ruộng đồng no nước, họ chuyển sang làm nghề “hạ bạc” – đánh bắt thủy sản. Xã Phú Hội là một trong những nơi nhộn nhịp nhất vào mùa này.
Nước tràn lên hơn 2.000ha đất nông nghiệp nhưng dân không mảy may lo lắng. Mà ngược lại với bà con, năm nào nước về dồi dào là năm đó họ sẽ đón Tết lớn nhờ bội thu ngư sản.
Từ 3h sáng, những ghe đi thăm lưới ở Phú Hội đã nhấp nháy đèn bất kể gió mưa, sương lạnh. Tuy sớm mà chẳng vắng. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Đông (43 tuổi) cũng bắt đầu lên ghe đi kiểm tra lượng cá có được sau một đêm. Ánh đèn pin loạng choạng đôi lúc làm lộ rõ nét đen sạm trên gương mặt người đàn ông đang bám con nước.
Hơn chục năm làm nghề, anh Đông đã quen giấu niềm khấp khởi khi cá vào nặng lồng và biết che đi nỗi thất vọng khi con nước chảy trót lọt qua lưới, không để lại gì.
Anh Đông ngày trước nhìn ba đặt dớn nuôi mình trưởng thành. Mỗi mắt lưới, mỗi đoạn sông như in vào tiềm thức người thanh niên thời ấy. Anh học được nghề nhờ những hôm lẽo đẽo theo ba chòng chành trên sóng nước, dần dà thì hiểu sức nặng của cá tương quan với số tiền thu được trong ngày. Khi trưởng thành, anh lập gia đình rồi cứ thế cùng vợ theo nghề.
“10 năm làm nghề đến nay tôi có tổng cộng 60 cái dớn, năm nay mua thêm vì thấy dự báo nước lên. Mấy năm trước dịch cả hai vợ chồng kiếm được khoảng 700 nghìn đồng mỗi ngày. Bây giờ 400 nghìn đã thấy nhiều”, anh Đông nói.
Cá vào dớn chủ yếu là dạng cá đồng, nhỏ nhưng thịt ngọt, đậm mùi sông. Mỗi cân cá có giá chỉ 20-30 nghìn đồng. Thi thoảng dớn cũng đầy cua đồng, tép rong. Gom góp sau 2-3 tiếng, đến khi mặt trời ló dạng hừng đông, vợ chồng anh Đông mang cá về một mối ở ngay ngã 3 sông để kịp bán cho thương lái.
“Vũ điệu” giao mùa
Vào mùa nước nổi, những khu chợ được hình thành tại nơi hợp lưu của các nhánh sông là minh chứng cho sự nắm bắt con nước để giao thương của người dân vùng đồng bằng châu thổ.
Tại chân cầu Phú Hội, một khu chợ nổi được hình thành không có mái che, người dân đổ cá bán lại cho thương lái. Tất cả đều mua bán giao dịch trên ghe, trên tàu.
Bà Hồ Thị Nói (57 tuổi, ở ấp Phú Thuận, xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) đã có 30 năm làm thương lái thu mua cá. Nổi danh là “đại gia” trong vùng, giàu lên cũng nhờ nghề này nên bà Nói cũng rủ các con cái nương theo mùa nước nổi mà làm ăn. Mỗi sáng, cả gia đình bà bao gồm con gái, con rể, cháu ngoại đều ra ngã ba sông Phú Hội thu cá của ngư dân.
“Làm nghề này ngay thẳng là được, trời cho bao nhiêu ăn bấy nhiêu đừng ăn gian nối dối. Trời thương mình không phải đi làm xa mà con cái dựa vào đó cũng có cái ăn, cái mặc, cái nghề”, bà Nói tâm sự.
Sau khi lấy cá ở đây, bà Nói cho ghe chở về các chợ, các vựa.
Trên một khúc sông, mỗi chiếc ghe là một gian chợ, không ai bảo ai cứ đúng 6h sáng người dân đều đổ về đây cân cá cho thương lái (Ảnh: Hải Long, Trịnh Nguyễn)
Báo đài hằng ngày vẫn râm ran thông tin về sạt lở, biến đổi khí hậu làm thời tiết phức tạp; các khái niệm El Nino, La Nina… với bà con quê vùng này nghe sao mà xa lạ. Họ chỉ nằm lòng rằng, mùa nước mà con nước không về hoặc về không nhiều sẽ thất thu cá tôm, không còn những nghề mưu sinh bám theo đó.
Mùa nước nổi là mùa của sự sống, mùa của sự thích nghi và sinh tồn. Dù có những khó khăn, vất vả, nhưng người dân miền Tây vẫn luôn lạc quan, yêu đời, xem đó là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Họ biết cách “sống chung với lũ”, biến trắc trở gian nan thành cơ hội để mưu sinh, phát triển.
Ảnh: Hải Long, Trịnh Nguyễn, Adrien Jean
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/mua-nuoc-noi-khuc-giao-mua-tren-vung-dat-chin-rong-20241006073627596.htm