Khi nước lũ tràn về, đồng ruộng ngập trắng nước nổi cũng là lúc các chợ bán cá đồng vùng biên trong tỉnh Đồng Tháp trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Một góc chợ cá đồng Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp vào sáng sớm.
Khoảng 6 giờ 30 sáng tại chợ Thường Phước – một trong những khu chợ cá đồng lớn ở khu vực huyện biên giới Hồng Ngự bắt đầu nhộn nhịp với những thanh âm cười nói, mời chào, ngã giá giữa người mua và người bán.
Các mặt hàng ở đây chủ yếu là các loại thủy sản được ngư dân đánh bắt ở các cánh đồng ngập nước của khu vực đầu nguồn Hồng Ngự và các khu vực lân cận.
Bà Nguyễn Thị Hóa (SN 1969) – tiểu thương chợ Thường Phước cười tươi rói, đon đả giới thiệu với khách hàng mâm cá linh đang nhảy xoi xói của mình: “Mua cá linh non về kho lạt đi cô. Cá linh đầu mùa ngon lắm, bảo đảm tươi rói, không ngon không lấy tiền”. Sau câu mời chào là nụ cười hiền lành, đôi mắt mong đợi người mua ngã giá.
Ngoài cá đồng, chợ Thường Phước, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) còn có nhiều loại rau đồng, ốc lác được bày bán.
Sau khi đánh bắt, cá đồng, cá đặc sản được ngư dân chở về các chợ vùng biên Đồng Tháp để tiêu thụ.
Bà Hóa cho biết, mùa nước nổi là thời điểm được người dân đầu nguồn trông đợi nhất, bởi vào mùa này, tôm, cá đồng dồi dào, hoạt động buôn bán nhộn nhịp hơn, nhờ vậy mà thu nhập cũng khá hơn ngày thường.
Trung bình mỗi ngày, bà Hóa bán được khoảng 10 – 12kg cá đồng các loại, thu nhập từ 80.000 – 150.000 đồng/buổi chợ. Với bà Hóa, đây là một khoản thu nhập khá giúp gia đình bà trang trải cuộc sống hằng ngày.
Ngoài bà Hóa, chợ Thường Phước có hơn 10 hộ tiểu thương chuyên bán cá đồng và các loại đặc sản mùa nước nổi.
Các mặt hàng đồ đồng tại chợ Thường Phước cũng phong phú về chủng loại như: cá linh, cá sát, cá chạch, tép lóng, tôm càng xanh, ốc lác, chuột đồng… cho đến các loại rau đặc trưng mùa nước nổi như: bông súng, bông điên điển, rau muống…
Bà Huỳnh Thị Phượng (bìa trái) và bà Huỳnh Thị Nga khoe mẻ cá đồng vừa đặt dớn.
Nhiều hộ tiểu thương cho biết, con nước năm nay về muộn so với mọi năm nên cá cũng không nhiều bằng cùng kỳ những năm trước.
Do đó, nhiều loại cá có tăng giá nhẹ khoảng 10.000 – 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ những năm trước. Cụ thể, cá chạch 250.000 đồng/kg; các sát, cá thiểu khoảng 150.000 đồng/kg, tép lóng 150.000 đồng/kg; ốc lác có giá từ 60.000 – 80.000 đồng/kg; chuột đồng khoảng 100.000 – 110.000 đồng/kg. Riêng cá linh năm nay sản lượng đánh bắt nhiều hơn cùng kỳ những năm trước nên giá cũng “mềm” hơn, chỉ từ 100.000 – 120.000 đồng/kg (đã làm sạch)…
Bà Huỳnh Thị Phượng ngụ xã Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: “Năm nay nước lũ về chậm, cá ít hơn mọi năm. Sáng nào vợ chồng tôi cũng ra đồng từ sớm. Cảm giác kéo dớn lên, thấy cá linh nhảy tanh tách là vui lắm. Mặc dù vất vả nhưng mỗi khi mang cá ra chợ bán, nhìn thấy khách hàng mua đông vui, lòng mình lại thấy ấm áp”.
Cá chạch cơm đầu mùa ở các chợ vùng biên huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp có giá khoảng 220.000 – 250.000 đồng/kg.
Bà Trần Thị Thủy, một người con của sông nước miền Tây đi qua nhiều vùng miền, nhưng chợ cá Thường Phước luôn là điểm dừng chân quen thuộc.
Bà Thủy chia sẻ: “Mỗi khi chạy xà lan ngang qua đây, tôi neo lại để lên chợ Thường Phước mua cá đồng, rau đồng về nấu ăn cho gia đình. Gia đình tôi rất thích món cá linh kho lạt và canh chua cá linh bông điên điển. Mỗi lần nấu mấy món ăn này cả nhà đều thích. Cảm giác được tự tay chế biến những món ăn dân dã từ những nguyên liệu tươi ngon nhất, thật sự rất tuyệt vời”.
Chợ cá đồng không đơn thuần là nơi mua bán mà còn có những câu chuyện về cuộc sống mưu sinh của người dân vùng đầu nguồn, mang những giá trị văn hóa gắn liền với người dân miền Tây…
Nguồn: https://danviet.vn/mua-nuoc-noi-dong-thap-ngoai-dong-nuoc-do-phu-sa-bat-san-vat-tren-cho-que-la-liet-ca-dong-20241101234205728.htm