Thị trường nhà ở thường diễn ra sôi động nhất vào dịp cuối năm, bởi nhiều người có xu hướng đi tìm xem nhà với tâm lý “đầu năm mua đất, cuối năm mua nhà”.
Với dự định mua nhà cuối năm để ổn định chỗ ở cho cả gia đình, đón một cái Tết trọn vẹn, chị Nguyễn Thu Hiền ở Hà Nội cho biết, chị đang gấp rút tìm kiếm một căn nhà mới có thể về ở ngay trong tháng này. Căn hộ của gia đình chị đang thuê cũng hết hạn vào đầu tháng 1 tới.
“Với nguồn tài chính khoảng hơn 3 tỷ đồng đã thu xếp được vào cuối năm, vợ chồng tôi đang cố gắng “chốt” nhanh căn nhà để đón Tết”, chị Hiền chia sẻ.
Cũng như chị Hiền, người mua nhà dịp cuối năm thường có tâm lý “mua nhanh”, “mua vội”. Tâm lý này khiến người mua có thể gặp tổn thất về tài chính, rủi ro pháp lý.
Theo ông Đỗ Ngọc Thắng – Giám đốc Kinh doanh vùng một đơn vị bất động sản – những rủi ro khi mua nhà không chỉ thời điểm cuối năm. Vấn đề muôn thuở của khách hàng mua bất động sản việc đầu tiên là pháp lý, việc thứ hai là định giá, thứ ba là sự tư vấn của người môi giới.
Về pháp lý, khách hàng có thể gặp các rủi ro giao dịch các căn nhà mà chưa sổ, không sổ, mua bán giấy tờ viết tay hoặc vi bằng, chung sổ, sổ đang ở chỗ tín dụng đen, hoặc chủ nhà đang đặt cọc cho 2-3 người… Rủi ro thường thấy nhất là chủ nhà cầm sổ đỏ đi vay ở đơn vị tài chính – đều phải viết giấy bán hoặc viết hợp đồng đặt cọc.
“Nếu môi giới không kiểm tra kỹ cho khách thì sẽ gặp rất nhiều rủi ro cho khách mua và đem lại những hệ lụy khôn lường bởi hầu hết các giá trị của bất động sản nào cũng là rất nhiều tỷ đồng”, ông Thắng nói.
Thứ hai là về giá. Theo ông Thắng, cuối năm sẽ xuất hiện rất nhiều thông tin rao bán: “Vỡ nợ cần bán nhà, bán gấp, giá sốc cuối năm…” rất có thể, đó là những thông tin đánh vào lòng tham để trục lợi.
“Nếu những môi giới tư vấn cho bạn giá rẻ hơn so với thị trường thì chắc chắn tôi khuyên bạn nên đặt dấu chấm hỏi, hãy cảnh giác với những thứ bất ngờ rẻ”, ông Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thắng, với môi giới, câu chuyện “thả câu” ban đầu về những bất động sản giá hời, giảm sốc… nhưng thực chất không có thật mà đó là chiêu trò để thu hút sự quan tâm của người mua rồi dẫn dắt sang những bất động sản khác – không còn là câu chuyện mới, thậm chí đã thành thông lệ ở nhiều thị trường. Hay việc môi giới lợi dụng tâm lý “chốt nhanh” của người mua để làm giá, “ăn” thêm phần chênh lệch cũng không phải chuyện hiếm.
Có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực môi giới bất động sản, ông Thắng cho rằng, các giao dịch bất động sản thổ cư vẫn diễn ra sôi động hằng ngày, điều quan trọng nhất với người mua khi tham gia vào thị trường là cần tìm hiểu kỹ để nhận diện những rủi ro có thể gặp phải.
Về pháp lý của bất động sản, kinh nghiệm của ông Thắng chỉ ra, người mua cần kiểm tra kỹ càng về sổ đỏ và các thông tin trên sổ phải chính xác mới xuống tiền đặt cọc. Và tất nhiên nên giao dịch qua đơn vị môi giới uy tín, bởi họ là những người có chuyên môn tốt nhất để đảm bảo pháp lý của bất động sản đó.
Về vấn đề giá, ông Thắng phân tích, ngày hôm nay đi xem căn A, căn B, căn C mặt bằng như thế, vị trí như thế, ngõ như thế,… thì người mua có thể tự đánh giá mức giá trung bình tại khu vực này khoảng từ bao nhiêu?
Ngoài ra, ông Thắng nhấn mạnh, sự chuyên nghiệp của người môi giới vô cùng quan trọng. Bên cạnh pháp lý và giá, như tôi đã nhắc đến ở trên, môi giới luôn xuất hiện trong cả quá trình khách hàng, từ lúc tìm kiếm, đi xem nhà tới khi tiến hành các thủ tục mua bán.
Theo vị chuyên gia này, ngay từ lần đầu gặp, tiếp xúc, thông qua một số câu hỏi, bạn có thể kiểm tra xem họ có nghề, họ có tâm, có hiểu về khu vực hay không…. Do đó, việc gặp được một môi giới chuyên nghiệp có thể giúp khách hàng giảm thiểu mọi rủi ro.