Tăng sản lượng măng tươi bù trượt giá
Gia đình anh Nguyễn Văn Thanh ở khu phố 4, phường Hưng Long, TX. Chơn Thành có 10 ha trồng tre lấy măng. Vào đầu mùa mưa, măng bắt đầu cho thu hoạch rộ. Bình quân mỗi ngày gia đình anh thu khoảng 5 tấn măng tươi, năng suất tăng cao so với thời điểm mùa khô.
Để kịp thu hoạch, bán cho tiểu thương ở chợ đầu mối TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), hằng ngày từ 5 giờ sáng, gia đình anh và nhân công làm thuê đã chân ủng, tay cầm dao ra vườn thu măng. Đến khoảng 7 giờ, măng được tập kết thành đống để làm sạch, phân loại định giá. Sau đó, tiểu thương bốc măng lên xe vận chuyển về TP. Hồ Chí Minh.
Anh Thanh cho biết: “Mùa khô, sản lượng măng ít nhưng giá cao, có thời điểm 32.000 đồng/kg măng tươi. Tuy nhiên, hiện giá thấp, chỉ còn 5.000 đồng/kg. Dù vậy với tôi, có thu nhập hằng ngày là hạnh phúc rồi. Gia đình sẽ vừa thu hoạch vừa chăm sóc vườn để lấy sản lượng bù trượt giá”.
Theo anh Thanh, mùa mưa, đất mềm, dinh dưỡng trong đất được hòa tan giúp măng phát triển mạnh. Một khóm tre có thể cho hơn 10 cây măng. Để măng đạt chất lượng, mẫu mã đẹp, đặc ruột, non, giòn, gia đình anh thường xuyên bón phân, bổ sung dinh dưỡng cho đất. Ngoài phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục bón trực tiếp vào gốc cây, gia đình anh còn rải phân urê trên mặt đất.
Tại TX. Chơn Thành, ngoài những hộ mới phát triển độc lập như gia đình anh Thanh, đa số các hộ trồng tre lấy măng tham gia hợp tác xã (HTX). Ông Nguyễn Kim Thành, Giám đốc HTX măng tre Thành Tâm cho biết: Thành viên HTX hiện có 20 hộ, diện tích canh tác khoảng 20 ha. Năng suất bình quân của HTX đạt 500kg/ha/ngày. Thông thường hằng năm vào mùa mưa, giá măng giảm dần. Tuy nhiên năm nay, thị trường khó lường hơn. Ngay đầu vụ, giá măng tươi giảm mạnh. Nếu như thời điểm này năm ngoái, bà con bán với giá từ 12.000-15.000 đồng/kg thì nay chỉ khoảng 5.000 đồng/kg. Mức giảm đột ngột khiến chúng tôi phải tính tới các phương án khác.
“Để giúp thành viên ổn định sản xuất, đảm bảo thu nhập, Ban Giám đốc HTX đã xây dựng kế hoạch sấy khô, luộc, muối măng. Từ nhiều năm trước, HTX đã mua máy sấy để sản xuất măng khô, công suất sấy 1 tấn/30 tiếng đồng hồ. HTX có nhà xưởng, kho chứa và sơ chế măng ngay khu vực trồng, gần UBND phường Thành Tâm. Mấy hôm nay, máy sấy đang được bảo trì, nhà kho và sân phơi cũng đã dọn sạch sẽ, sẵn sàng hoạt động. Nếu sấy không hết, các gia đình thành viên sẽ luộc hoặc muối chua bán trực tiếp tại chợ Chơn Thành và các quán ăn, nhà hàng, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh” – ông Thành chia sẻ.
Mở rộng vùng nguyên liệu
Chị Triệu Mỹ Nhung, chủ cơ sở sản xuất các loại giống cây ở khu phố 1, phường Thành Tâm, đối tác liên kết với HTX măng tre Thành Tâm cho biết: “Gia đình tôi có thâm niên gần 30 năm làm nghề sản xuất cây giống các loại. Những năm gần đây, cây tre giống được người dân Chơn Thành và vùng lân cận mua nhiều. Năm 2023, gia đình tôi bán khoảng 15.000 cây giống. Năm nay, dự đoán nhu cầu thị trường tiếp tục tăng nên gia đình đã sản xuất hơn 25.000 cây, gồm các loại tứ quý, điền trúc, tàu, lục trúc. Giá bán bình quân 35.000 đồng/cây”.
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa nhanh khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại TX. Chơn Thành dần bị thu hẹp. Do vậy, có hộ đã thuê đất, mở rộng diện tích canh tác tại các xã thuộc tỉnh Bình Dương, giáp ranh Bình Phước. Một số hộ mở rộng diện tích tại các xã Quang Minh, Nha Bích, TX. Chơn Thành.
Ông Trần Quang Sắc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Minh chia sẻ, gia đình ông vừa hoàn thành “dự án” 3 ha trồng tre lấy măng tại ấp Bàu Teng, xã Quang Minh. Nhờ tận dụng được nhiều cơ sở vật chất như giếng khoan, ống tưới, nhà xưởng (trước đó trồng quýt) nên chi phí ban đầu giảm đáng kể.
“Sau khi san lấp mặt bằng, lắp đặt hệ thống ống tưới, đào hố, mua cây giống, đầu tháng 6 vừa rồi có mưa, gia đình tôi đã thuê người trồng. Hiện cây đã ra rễ, nảy mầm. Để sản xuất bền vững, gia đình tôi đầu tư bài bản, trong đó có đường bê tông để việc vận chuyển thuận lợi, hệ thống thoát nước tiện lợi, sân phơi, nhà kho rộng rãi. Gia đình sẽ liên kết với HTX măng tre Thành Tâm và các doanh nghiệp khác để tiêu thụ sản phẩm măng cho bà con” – ông Sắc cho hay.
Theo ông Sắc, mô hình trồng tre lấy măng có nhiều ưu điểm. Tre dễ trồng, ít bị hao hụt như các loại cây khác. Vốn đầu tư cây giống không cao. Thế mạnh của tre là trồng được ở hầu hết điều kiện đất đai, đặc biệt tại những vùng khô cằn sỏi đá, đất sét pha cát khó trồng được cây khác thì tre vẫn phát triển. Sau 1 năm trồng, tre bắt đầu cho thu hoạch măng. Đặc biệt, tre ít sâu bệnh, năng suất, chất lượng phụ thuộc phần lớn vào phân bón và nước tưới. Do vậy, đáp ứng tốt 2 yếu tố này, người trồng tre sẽ có thu nhập ổn định. Hiện nay, tại ấp Bàu Teng, xã Quang Minh, bên cạnh một số hộ là người dân địa phương trồng tre, còn có 5 hộ từ tỉnh Tây Ninh qua thuê đất trồng tre. Tổng diện tích ước khoảng 20 ha.
Nguồn: https://danviet.vn/mua-mua-den-mam-mot-loai-cay-moc-len-tua-tua-nong-dan-binh-phuoc-thi-nhau-hai-ban-nhung-hoi-buon-vi-gia-re-20240629153031046.htm