Nỗi lo “sống chung cùng ngập lụt”
Cuối tháng 7 vừa qua, mực nước sông Bùi, sông Tích lên cao vượt mức báo động III trong nhiều ngày đã khiến hàng ngàn hộ dân các xã ven sông thuộc địa bàn các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai rơi vào cảnh ngập lụt.
Suốt những ngày qua, khi nước rút hoàn toàn, cuộc sống của người dân mới dần ổn định sau gần nửa tháng sống chung với ngập lụt. Dù vậy, thiệt hại mà mưa lũ để lại cho người dân các địa phương ven sông vẫn rất nặng nề.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ Lê Hoài Thi cho biết, cùng với nhiều đồ đạc bị hư hỏng, vật nuôi bị cuốn trôi thì hàng trăm héc-ta sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa, của bà con nông dân bị ngập nước đã bị “mất trắng”.
Đợt ngập lụt vừa xảy ra đã là lần thứ tư trong vòng 15 năm trở lại đây, người dân hàng chục xã vùng ven sông Bùi, sông Tích thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai… rơi vào cảnh “sống chung cùng nước lũ” khi mùa mưa đến.
Trước đó, hàng ngàn hộ dân sinh sống ven sông Bùi, sông Tích, cũng phải chịu cảnh ngập lụt nghiêm trọng trong các đợt mưa lũ của các năm 2008, tháng 10/2017 và tháng 7/2018. Không chỉ ảnh hưởng lớn đến việc ổn định đời sống của cư dân ven sông, nỗi lo ngập lụt còn khiến các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội bị gián đoạn.
Chủ động ứng phó mưa lớn kéo dài
Trong khi công tác thống kê, khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ xảy ra cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua còn chưa kết thúc, các địa phương ven sông Bùi, sông Tích lại đứng trước nguy cơ ngập lụt tái diễn.
Bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định từ chiều tối và đêm ngày 11 đến ngày 15/8, tại các tỉnh thành khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to.
Tổng lượng mưa trong đợt này phổ biến từ 100 – 250mm, có nơi trên 400mm. Chính vì vậy, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các vùng trũng, thấp, khu dân cư ven sông là rất lớn.
Theo Chủ tịch Công ty TNHH MTV thuỷ lợi sông Đáy Trần Đình Cường, trước thông tin về tình hình mưa lớn kéo dài, đơn vị đã chỉ đạo các xí nghiệp thuỷ lợi trực thuộc phân công cán bộ ứng trực 24/24 giờ để chủ động vận hành hệ thống các trạm bơm tiêu thoát nước dọc sông Bùi, hạn chế thấp nhất nguy cơ ngập lụt.
Để chủ động ứng phó với nguy cơ ngập lụt do mưa lớn kéo dài, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Văn phòng Thường trực đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị tập trung triển khai các giải pháp ứng phó.
Theo đó, Ban Chỉ huy đề nghị các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy; tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.
“Chính quyền địa phương đang chỉ đạo UBND cấp xã, nhất là 11 xã ven sông Bùi, tiếp tục theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến người dân được biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn kéo dài…” – Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-mua-lon-keo-dai-nguy-co-ngap-lut-tai-dien.html