Ngày 23.3, tại TP.Cần Thơ, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) phối hợp cùng Trung tâm truyền hình Việt Nam khu vực Tây Nam bộ (VTV Cần Thơ) tổ chức đối thoại với chủ đề “Cung ứng điện mùa nắng nóng”.
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường ĐH Cần Thơ – khách mời của chương trình, mùa khô có khuynh hướng kéo dài. Hiện, nhiệt độ ban ngày tại một số nơi trên đường phố lên tới 35 – 360C, tia UV trong không khí rất cao. Tình trạng nắng nóng có thể diễn ra đến hết tháng 4, qua tháng 5 mới có những trận mưa đầu mùa làm dịu thời tiết. Tuy nhiên, người dân ĐBSCL phải chờ đến khoảng giữa tháng 5 mới thực sự bước vào mùa mưa.
Trước dự báo này, ông Bùi Quốc Hoan, Phó tổng giám đốc EVNSPC, cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (EVNNLDC) đã xây dựng nhiều kịch bản ứng phó, triển khai đồng bộ các khâu từ nguồn điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ cho khách hàng. Việc tích trữ nguồn nước dự phòng tại các hồ thủy điện được tối ưu; đồng thời đảm bảo cung cấp nước cho hạ du phục vụ người dân sinh hoạt, tưới tiêu. Nhà máy nhiệt điện có đầy đủ nhiên liệu (than, khí, dầu), sẵn sàng vận hành. Diễn biến tăng – giảm phụ tải điện từng địa phương cũng được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo tình hình cung – ứng điện, không làm gián đoạn sản xuất.
Theo ông Hoan, nắng nóng kéo dài làm tăng lượng tiêu thụ điện năng. Điều này có thể xảy ra tình trạng sử dụng điện quá tải cục bộ tại một số khu vực. Tuy nhiên, người dân có thể yên tâm vì với trình độ, công nghệ hiện tại của ngành điện. Mọi tình huống đều có cách khắc phục kịp thời và sẽ thông báo đến khách hàng để chủ động ứng phó. Nếu không có tình huống cực đoan, sự cố xếp chồng, việc cung ứng nguồn điện trong năm 2024 sẽ được đảm bảo.
Đối thoại qua đường dây nóng, khán giả thắc mắc tiền điện tăng cao trong mùa nóng mặc dù thời gian và tần suất sử dụng vẫn vậy. Về vấn đề này, ông Hoan cho rằng, nguyên nhân chính khiến tiền điện tăng cao là do điện năng tăng. Mà lý do khiến điện năng tăng chủ yếu đến từ các thiết bị làm mát, đặc biệt là máy điều hòa. Theo thống kê, máy điều hòa chiếm khoảng 35 – 65% tổng lượng điện năng tiêu thụ của các gia đình trong mùa nóng. Điều mà ít người dân biết và cần lưu ý là tuy cùng bật 1 nhiệt độ, nếu bên ngoài nắng nóng thì điện năng tiêu thụ của điều hòa sẽ cao hơn khi thời tiết mát mẻ. Nếu người dân giảm 10C ở các nền thời tiết khác nhau, điện năng tiêu thụ của thiết bị này có thể chênh lệch 2 – 3%, kéo theo hóa đơn tiền điện đội lên.
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, dòng chảy thay đổi, hoạt động của các nhà máy thủy điện dự báo sẽ đối mặt với những khó khăn trong tương lai. Đã đến lúc người dân cần tính toán đến những nguồn năng lượng hỗ trợ, thay thế cho thủy điện. Đặc biệt là tận dụng cái nắng và gió rất dồi dào ở vùng ĐBSCL. Thời gian qua, việc lắp đặt hệ thống điện từ năng lượng mặt trời trên mái nhà được nhiều người dân ứng dụng và cho thấy hiệu quả đáng kể.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, khuyến cáo người dân thực hiện nhiều giải pháp căn cơ để sử dụng hợp lý, tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng. Đó là chọn mua các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm điện; sử dụng hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED thay đèn dây tốc; thường xuyên kiểm tra thay các đường dây để tránh tình trạng xuống cấp sinh nhiệt. Đặc biệt là nên bật máy điều hòa từ 260C trở lên để giảm tiêu thụ điện năng và hạn chế sử dụng các thiết bị không cần thiết vào những khung giờ cao điểm.