Trong ngày 24-6, mưa lớn trên khắp cả nước. Nếu như Bắc Trung bộ có “mưa vàng” phá tan oi bức, cứu lúa hè thu đang có nguy cơ chết cháy thì ở ĐBSCL, mưa lớn trên diện rộng kèm theo dông lốc đã làm thiệt hại nhiều diện tích lúa hè thu sắp thu hoạch của nông dân.
“Mưa vàng” giải nhiệt, cứu lúa
Sau nhiều ngày nắng nóng gay gắt, tại khu vực Bắc Trung bộ đã bắt đầu có mưa. Những trận “mưa vàng” đã phá tan oi bức, giải nhiệt, đồng thời cứu lúa hè thu đang có nguy cơ chết cháy.
Ghi nhận của PV Báo SGGP tại một số xã thuộc các huyện Đông Sơn, Quảng Xương, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định (Thanh Hóa) cho thấy, phần lớn các địa phương vừa cấy và gieo sạ xong vụ lúa hè thu. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, nguồn nước thủy nông khan hiếm nên nhiều cánh đồng nứt nẻ, có nơi khô cháy. Nhờ các trận mưa lớn kéo dài từ ngày 23 đến 24-6, nhiều diện tích lúa đã được cứu và đang hồi sinh.
Trong khi đó, theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung bộ, từ đêm 23 đến sáng 24-6, khu vực bắt đầu có mưa rải rác, trong đó có một số nơi xuất hiện mưa lớn như Châu Cường (Quỳ Hợp, Nghệ An) lượng mưa đo được 99mm. Dự báo từ chiều tối ngày 24 đến sáng ngày 26-6, khu vực Bắc Trung bộ sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm. Cụ thể, tại tỉnh Thanh Hóa sẽ có lượng mưa từ 20-50mm, có nơi trên 100mm; tại tỉnh Nghệ An 20-40mm, có nơi trên 80mm; tại tỉnh Hà Tĩnh 20-40mm, có nơi trên 60mm.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, không chỉ Bắc bộ mà tại Tây Nguyên, Nam bộ cũng đã có mưa to trên diện rộng. Cập nhật từ 7 giờ đến chiều 24-6, lưu lượng mưa đo tại các trạm tương đối lớn, như: Suối Giàng (Yên Bái) 116mm, Tri Phú (Tuyên Quang) 77mm, Yên Thượng (Bắc Kạn) 64mm, Kim Bình (Hòa Bình) 166mm… Cơ quan khí tượng liên tục ban hành các bản tin cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ xối ở các tỉnh: Lạng Sơn, Sơn La, Tuyên Quang, Thanh Hóa… và cảnh báo lũ trên các sông ở Bắc bộ.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, từ đêm 24-6 đến sáng 26-6 mới là tâm điểm mưa to gió mạnh ở Bắc bộ. Các chuyên gia khí tượng cho rằng, đợt mưa gió dài ngày này giúp Bắc bộ và Trung bộ nhanh chóng mát mẻ, dễ chịu trở lại, nhưng ở những điểm có mưa to cục bộ, nguy cơ sạt lở, ngập úng, thậm chí lũ ống, lũ quét là rất lớn trong bối cảnh hiện tượng La Nina đang thể hiện ngày càng rõ, có tính chất mưa nhiều lũ lớn.
Để ứng phó đợt mưa lớn này, từ trưa 24-6, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã ra công văn gửi ban chỉ huy tại các tỉnh, thành phố ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ đề nghị hướng dẫn kịp thời cho người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
ĐBSCL: Lúa đổ ngã, thanh long nguy cơ chết úng
Liên tiếp những ngày qua, tại ĐBSCL xuất hiện mưa lớn trên diện rộng kèm theo dông lốc, làm thiệt hại nhiều diện tích lúa hè thu sắp thu hoạch của nông dân.
Hậu Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ… là những địa phương có diện tích lúa bị thiệt hại nhiều nhất. Chỉ riêng tại huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đã có khoảng 1.700ha lúa hè thu bị đổ ngã. Lúa bị đổ ngã sẽ giảm năng suất đáng kể và gây khó khăn cho khâu thu hoạch của nông dân. Các địa phương trong vùng đang vận động nông dân tranh thủ tháo nước kịp thời cũng như dùng các biện pháp nâng lúa lên để giảm bớt thiệt hại, huy động lực lượng quân sự đến hỗ trợ nông dân…
Tại Long An, ngày 24-6, theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, mưa lớn những ngày qua khiến nhiều vườn cây ăn trái của người dân bị ngập sâu. Tại huyện Châu Thành (Long An), nhiều vườn thanh long bị ngập sâu đến 0,5m, chủ vườn khốn khổ tìm nhiều cách để tiêu nước, kéo giảm diện tích cây thanh long chết úng. Ông Nguyễn Văn Phước (ngụ huyện Châu Thành) cho biết, mưa lớn kéo dài 3-4 ngày, gia đình đã làm nhiều cách nhưng nước không thoát kịp, hơn 1ha thanh long đang cho trái có nguy cơ bị cắt bỏ do gốc nhiều cây thanh long bị thối rễ.
Tương tự, tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), hàng trăm vườn thanh long cũng đang đứng trước nguy cơ chết úng, do nước ngập nhiều ngày. Người dân đang nỗ lực bơm tát nước để cứu các vườn thanh long sắp thu hoạch.
Tại Kiên Giang, mưa lớn kèm dông lốc trong những ngày qua làm sập và hư hỏng 11 căn nhà, 4 tàu cá bị chìm.
Đến chiều 24-6, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tiếp tục cho biết, do có mưa to ở thượng nguồn Tây Bắc nên vào hồi 15 giờ ngày 24-6, mực nước ở thượng lưu hồ Hòa Bình ở cao trình 111,53m và lưu lượng nước về hồ là 2.941m3/giây, lưu lượng xả là 2.123m3/giây. Căn cứ báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, từ chiều tối 24-6 đến sáng 26-6, Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biển 50-120mm, có nơi trên 200mm.
Để đưa dần mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình về cao trình đảm bảo an toàn theo quy định, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào lúc 22 giờ đêm 24-6. Đồng thời, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã ban hành thêm một công văn gửi ban chỉ huy tại các tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đề nghị thông báo ngay cho người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy, các bến đò ngang, cơ sở kinh doanh, khai thác cát sỏi… biết thông tin xả lũ từ hồ thủy điện Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn về người, tài sản.
VĂN PHÚC – DUY CƯỜNG – NGỌC PHÚC – VĨNH TƯỜNG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/mua-khap-ca-nuoc-pha-tan-oi-buc-post746114.html