Trong 3 ngày 27 – 29.3, các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị xảy ra mưa đá, giông lốc. Mặc dù đã được Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cảnh báo là do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường yếu nén rãnh áp thấp, kết hợp với hội tụ gió trên cao từ 1.500 – 5.000 m nhưng hậu quả của những trận thiên tai để lại khá lớn.
Theo thống kê, mưa đá, giông lốc những ngày qua đã làm 1 người bị thương, gần 600 ngôi nhà tốc mái, sập đổ, hàng trăm ha hoa màu, cây trồng bị hư hỏng. Ước tính thiệt hại hàng tỉ đồng.
Lý giải về hiện tượng này, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, mưa đá là hiện tượng nước mưa ngưng tụ thành những tảng đá, cục băng, đa dạng về kích thước rơi xuống, lẫn trong mưa rào. Trong tình trạng mưa khắc nghiệt, mưa đá chỉ xảy ra trong khoảng 5 – 30 phút.
Mưa đá hình thành do dòng không khí đối lưu lên xuống liên tục. Nếu nhiệt độ trong các đám mây là âm 20 độ C thì hơi nước trong mây sẽ tự tạo thành những hạt băng nhỏ và rơi xuống. Các hạt băng tiếp xúc với tầng mây thấp hơn sẽ biến thành những giọt nước có độ lạnh dưới 0 độ C, khi gặp những luồng không khí liên tục bốc lên từ dưới thì hạt băng sẽ lớn hơn, tới một trọng lượng nhất định, chúng sẽ rơi xuống hình thành mưa đá.
“Miền Bắc đang trong thời điểm giao mùa nên có những đợt không khí lạnh yếu tràn xuống, khi gặp nền nhiệt độ cao từ các tỉnh miền núi phía bắc, tạo điều kiện cho không khí xáo trộn mạnh khiến những đám mây phát triển, gây ra những trận mưa giông, sấm sét, mưa đá và gió giật mạnh”, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai phân tích.
Cơ quan này cho hay, những trận mưa đá vừa qua không phải là hiện tượng bất thường. Mưa đá thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa (tháng 3 – tháng 5, cao điểm vào tháng 4 hàng năm).
Theo dự báo, sau đợt mưa đá này, miền Bắc sẽ tăng nhiệt từ ngày 1 – 4.4, có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt.
Trong khi đó, khu vực Nam bộ ngày 30 – 31.3 có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 – 37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45 – 50%. Khu vực Tây nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất ngày có nơi trên 35 độ C.