Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết lãnh đạo UBND tỉnh này đã quyết định cho toàn thể giáo viên, học sinh trên địa bàn nghỉ học ngày 19/9 để phòng tránh bão, lụt.
Lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các Phòng GD&ĐT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên và các đơn vị trực thuộc, chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của bão, tình hình mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Lãnh đạo các đơn vị kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cơ quan, trường học.
Các cơ sở giáo dục, trường học thực hiện chằng chống, gia cố đảm bảo an toàn; cắt tỉa cành cây khu vực trường có nguy cơ gãy đổ, lên phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất, chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ đến vị trí cao ráo để tránh hư hại.
Đối với vùng thấp trũng, có nguy cơ ngập lụt cục bộ, vùng sườn núi sạt lở, lãnh đạo đơn vị chủ động nắm tình hình, báo cáo cơ quan chủ quản để có phương án quyết định cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, trong ngày 18/9, nhiều trường học tại khu vực ven biển huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho học sinh nghỉ học để phòng, tránh bão lụt.
Ông Tân cho rằng, việc cho học sinh nghỉ học cần bảo đảm tính hiệu quả và đòi hỏi người quản lý phải theo dõi sát, nắm chắc tình hình thiên tai để đưa ra quyết định đúng thời điểm.
Chiều 18/9, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi cho Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, các Trường THPT, Phổ thông dân tộc nội trú, Trung tâm Giáo dục thường xuyên thông báo cho học sinh nghỉ học ngày 19/9.
Sở GD&ĐT Quảng Nam yêu cầu các đơn vị phân công trực ban và báo cáo kịp thời tình hình mưa bão, lũ quét, các thiệt hại và biện pháp khắc phục về Sở GD&ĐT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Trước đó, để đảm bảo an toàn, trưa 18/9, Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng quyết định cho toàn bộ học sinh trên địa bàn nghỉ học từ chiều 18 đến hết ngày 19/9.
Trong ngày 18 và rạng sáng 19/9, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (đã mạnh lên thành bão số 4), tại nhiều tỉnh, thành miền Trung đã có mưa to đến rất to, gây ra tình trạng ngập lụt cục bộ; mưa lũ, lốc xoáy cũng đã khiến nhiều cây xanh bị ngã đổ, nhà cửa tại một số địa phương bị tốc mái; nhiều ngầm, tràn ở khu vực miền núi bị chia cắt do nước dâng…
Rạng sáng 19/9, áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 4 trong năm. Tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 6.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết lúc 4h ngày 19/9, vị trí tâm bão vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng 210km về phía Đông Bắc, cách Quảng Trị khoảng 260km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h.
Đến 16h cùng ngày, bão số 4 trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km.
Rạng sáng 20/9, bão số 4 trên khu vực Trung Lào, suy yếu dần thành vùng áp thấp, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/mua-bao-phuc-tap-nhieu-tinh-mien-trung-cho-hoc-sinh-nghi-hoc-20240919050523526.htm