Cuộc sống người dân Bản Mù (Trạm Tấu, Yên Bái) khi ấy quả là “mù mịt” trong làn khói thuốc phiện với vô vàn khó khăn tưởng chừng không vượt qua… Vậy mà giờ đây Bản Mù đã khiến chúng tôi ngỡ ngàng trong ngày trở lại.
Bản Mù là xã xa xôi và đông dân nhất của huyện Trạm Tấu với trên 90% dân số là đồng bào Mông. Cách đây khoảng 30 năm, nơi đây còn là “vựa thuốc phiện” của vùng Tây Bắc. Bản trên, bản dưới trồng cây thuốc phiện thay thế cây lương thực. Có thời điểm cả huyện phát hiện 400ha trồng thuốc phiện thì Bản Mù đã chiếm tới 90 ha.
Cuộc sống của bà con người Mông khi ấy phụ thuộc vào việc khai thác nhựa cây thuốc phiện. Tương ứng là số người nghiện khắp bản trên, bản dưới. Cuộc sống người dân khi ấy quả là “mù mịt” trong làn khói thuốc phiện với vô vàn khó khăn tưởng chừng không vượt qua…
Vậy mà giờ đây Bản Mù đã khiến phóng viên chúng tôi ngỡ ngàng trong ngày trở lại. Dọc theo tuyến đường mới được nâng cấp từ trung tâm huyện đến trung tâm xã đã xuất hiện nhiều công trình phúc lợi khang trang, nhiều ngôi nhà mới kiên cố của người dân cùng các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản. Những năm gần đây, Bản Mù được nhắc đến nhiều không phải ở từ “thuốc phiện”, mà thay vào đó là ngô đồi, khoai sọ và rất nhiều câu chuyện của đổi thay.
Đồng chí Hoàng Văn Đông – Bí thư Đảng ủy xã Bản Mù cung cấp các số liệu cơ bản: Bản Mù đã cụ thể hóa kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa đối với các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo.
Riêng trong năm 2023, xã đã hoàn thành, hoàn thành vượt mức 25/25 chỉ tiêu theo kế hoạch năm; lãnh đạo hoàn thành 68/68 nhiệm vụ trong kế hoạch thực hiện Chương trình hành động 135 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,67%, đạt 100% kế hoạch đề ra.
Xác định vai trò tiền phong gương mẫu, đội ngũ cán bộ ở Bản Mù đã tăng cường bám sát thôn, bản; tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là tích cực sản xuất, chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND xã Bản Mù Giàng A Thái cho biết: Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của UBND xã có chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị; đổi mới phương thức điều hành gắn với trách nhiệm người đứng đầu; chỉ đạo cán bộ, công chức chuyên môn triển khai thực hiện toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh. Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất nông, lâm nghiệp, công tác phòng, chống dịch bệnh, đói rét trên đàn gia súc; thực hiện các chế độ, chính sách và công tác an sinh xã hội cho các đối tượng…
Năm 2023, Bản Mù gieo trồng 910 ha cây lương thực có hạt, đạt 100 % kế hoạch; trong đó: lúa 745 ha, ngô 165 ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 3.701/3.631 tấn, tăng 46 tấn so với năm 2022. Tổng đàn gia súc chính ước đạt 10.330/10.330 con, tăng 641 con so với cùng kỳ năm 2022; đàn gia cầm 23.860/23.860 con, đạt 100% kế hoạch…
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, người dân Bản Mù đã đăng ký 8 mô hình theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh tạo sinh kế bền vững; gồm 6 mô hỉnh chăn nuôi từ 10 con trâu, bò trở lên ở các bản Tà Ghênh, Giàng La Pán, Păng Dê, Khấu Ly cùng 2 mô hình chăn nuôi 3 con lợn nái và 20 con lợn thịt trở lên ở các thôn Khấu Ly và Mù Thấp…
Bản Mù còn duy trì nhiều mô hình tập thể điển hìnhvề phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tiêu biểu là Tổ hợp tác trồng khoai sọ tại thôn Mù Thấp với 3 thành viên gồm các hộ ông Mùa A Dơ, ông Mùa A Rùa và ông Mùa A So cư trú tại thôn Mù Thấp; Tổ hợp tác nuôi ong mật với 3 thành viên gồm các hộ ông Giàng A Mua, ông Giàng A Phú, thôn Khấu Ly và ông Mùa A Dình, thôn Mù Thấp; mô hình nuôi ong mật tại hộ của gia đình ông Giàng A Mua -Trưởng thôn Khấu Ly.
Ông Mùa A Dơ ở thôn Mù Thấp cho biết: “Được sự quan tâm, hướng dẫn của cán bộ xã, cán bộ huyện, chúng tôi đã duy trì mô hình trồng khoai sọ nương. Năm 2023, năng suất khoai đạt 9 – 11 tấn/ha, trừ chi phí ban đầu, mỗi héc – ta khoai đem về khoảng 50 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng lúa nương và một số cây trồng khác trên cùng diện tích. Giờ đây, khoai sọ nương Trạm Tấu đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu và giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ. Đó là điều kiện tốt để chúng tôi có thể phát triển mạnh việc trồng khoai sọ, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…”.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chính sách hỗ trợ người dân về sản xuất nông nghiệp như: cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh, các đề án phát triển kinh tế, đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân nông thôn, hỗ trợ cây, con giống giúp người dân chuyển đổi cây trồng trên đất đồi… cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân dân địa phương đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng cao Bản Mù. Bản Mù nay đã sáng!
Năm 2023, Bản Mù giải quyết việc làm mới cho trên 95 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 25,14%; chuyển dịch 41 lao động lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệ . Các chế độ, chính sách an sinh xã hội đối người cao tuổi, già làng, người có uy tín, các hộ nghèo, gia đình khó khăn được quan tâm được thực hiện tốt. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,8%, 62% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa…