Ông Huỳnh Thanh Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đến dự và tham gia thả cá trong mô hình sinh kế mùa nước nổi tại xã Phong Mỹ.
Khoảng 12 tấn cá giống các loại như cá mè vinh, cá rô phi, cá trắm cỏ…được thả vào ô đê bao số 7 mô hình sinh kế mùa nước nổi tại xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp).
Mô hình này nhằm tận dụng lợi thế mùa nước nổi sau khi thu hoạch lúa và ưu điểm của khu vực có hệ thống đê bao khép kín để nuôi cá đồng từ nguồn thức ăn tự nhiên, phát triển theo hướng an toàn, sinh thái.
Mô hình nuôi cá trên đồng nước nổi được thực hiện tại ô đê bao số 7 thuộc ấp 6, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) với diện tích 98 ha/92 hộ, do hộ ông Huỳnh Văn Rồi làm chủ đầu tư.
Trên diện tích này, người dân thả nuôi 240.000 con cá giống (khoảng 12 tấn), trọng lượng bình quân từ 40 – 67 gram/con (tuỳ con giống) gồm: Cá rô phi, mè vinh, trắm cỏ v.v.
Tổng kinh phí thực hiện mô hình sinh kế mùa nước nổi hơn 958 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện Cao Lãnh hỗ trợ hơn 32 triệu đồng.
Nguồn vốn này để tổ chức tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền triển khai thực hiện mô hình, các quy định của pháp luật về khai thác nguồn lợi thủy sản và tổng kết mô hình.
Sau 2 tháng triển khai, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) sẽ tổng kết để đánh giá hiệu quả kinh tế và xem xét nhân rộng thời gian tới.
Theo ngành nông nghiệp, nuôi cá trong ruộng mùa nước nổi giúp tăng độ phì nhiêu cho đất. Cá sẽ tận dụng hết các loại rong rêu, côn trùng trên đồng ruộng để làm thức ăn, góp phần vệ sinh đồng ruộng.
Mô hình nuôi cá trên đồng nước nổi còn hạn chế các loại cỏ dại phát sinh và phát triển, giảm chi phí đầu tư cho vụ lúa tiếp theo, tạo sinh kế cho nông dân vào thời gian mùa lũ, góp phần tạo thu nhập tăng thêm cho nông dân.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-xa-cua-dong-thap-trut-12-tan-ca-me-vinh-tram-co-ro-phi-xuong-dong-nuoc-noi-de-lam-gi-20241008104909512.htm