Sau cơn bão số 3, nhiều trường học trên cả nước tổ chức kêu gọi ủng hộ cho vùng bão lụt và được giáo viên, học sinh tham gia với số tiền khác nhau. Tuy nhiên, tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, có một trường kêu gọi ủng hộ nhưng khi đọc số tiền ai cũng bất ngờ.
Cụ thể, trong thông báo của nhà trường viết: “Trải qua cơn bão Yagi cùng mưa lớn, lũ quét, hiện nay, ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nhiều đồng bào của chúng ta đã phải chịu nhiều đau thương, mất mát, thiệt hại về người và tài sản, đang sống cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Nhiều người già, trẻ em không có nổi tấm chăn, manh áo ấm; các gia đình lay lắt bên những mái nhà xuống cấp không đủ che gió, che mưa; biết bao em bé không có sách để đọc, không có vở, bút để viết, thậm chí có em chưa được đến trường.
Với mong muốn những cảnh đời khó khăn sẽ được sưởi ấm bằng những món quà nhỏ nhưng tràn đầy tình yêu thương, tràn đầy hơi ấm tình người, Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp phát động phong trào ủng hộ quyên góp cho đồng bào vùng lũ sau cơn bão Yagi và được tổ chức vào buổi sinh hoạt chủ đề “Chia sẻ yêu thương” vào sáng thứ Hai ngày 16/9.
Hoạt động này có ý nghĩa giáo dục cho học sinh truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc, khuyến khích động viên học sinh tham gia ủng hộ với tinh thần tự nguyện. Điều đặc biệt, nhà trường đưa ra quy định số tiền ủng hộ không quá 30.000 đồng/học sinh. Các em học sinh khó khăn không nhất thiết tham gia.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho hay: “Nhà trường tổ chức ủng hộ vùng bão lụt với số tiền không quá 30.000 đồng là phù hợp với đối tượng học sinh và những năm trước trường cũng có mức ủng hộ như vậy. Học sinh sử dụng tiền tiết kiệm, tiền thưởng hoặc tiền mà các em làm các dự án nhỏ có được tiền để trích nộp.
Khi đặt ra giới hạn 30.000 đồng, những em học sinh chỉ có 20.000 đồng, 10.000 đồng hay thậm chí 5.000 đồng để quyên góp cũng cảm thấy vui vẻ, không thấy mình thua kém so với các bạn. Bởi đó là tất cả số tiền mà các em có. Trường không muốn các em xin tiền bố mẹ vì bố mẹ cũng đã ủng hộ nhiều nơi, đầu năm học cũng đã đóng nhiều tiền. Số tiền không vượt quá 30.000 đồng sẽ phù hợp”.
Thầy Tùng cũng cho hay, trường sẽ chia thành 2 đợt ủng hộ: Đợt 1 là ngày 16/9 để ủng hộ hết số tiền quyên góp được trong ngày. Đợt 2 là đến sát Tết Âm lịch sẽ làm với 2 trường (1 trường ở Yên Bái và 1 trường ở Lào Cai) vì sau bão lũ bà con vùng bão lũ vẫn còn khó khăn. Đợt 2 này nhà trường sử dụng quỹ trường là chính.
Thông báo trên nhận được hưởng ứng của nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh bởi số tiền 30.000 đồng là phù hợp. Hiện nay rất nhiều trường đang tổ chức quyên góp ủng hộ vùng bão lụt từ học sinh, giáo viên, phụ huynh, tuy nhiên cũng đã gây nên nhiều tranh cãi. Các trường vận động ủng hộ và học sinh về xin cha mẹ. Mặc dù tùy tâm nhưng nhiều phụ huynh cảm thấy tự ti, mặc cảm khi bản thân không có nhiều tiền để đóng góp như các phụ huynh khác. Đồng thời có sự so sánh giữa học sinh ủng hộ ít và ủng hộ nhiều.
“Không phải là số tiền mà là những giá trị gửi gắm trong món quà hỗ trợ”
Theo PGS. TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Việc các trường tổ chức quyên góp sự ủng hộ từ học sinh cần phải cân bằng giữa các mục tiêu giáo dục giá trị cho các em như giá trị yêu thương, chia sẻ, hợp tác và những nguy cơ tiêu cực khác có thể xảy ra có thể ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, phụ huynh cũng như gây ra những phiền nhiễu cho nhà trường.
Với học sinh, việc quan trọng không phải là số tiền mà là những giá trị gửi gắm trong món quà hỗ trợ để giúp các em quan tâm đến cộng đồng và tự thân mình muốn, thực hiện hành vi giúp đỡ người khác. Nó giúp khơi gợi lên lòng trắc ẩn và tinh thần trách nhiệm xã hội của các em từ sớm. Nếu để cho các học sinh về xin bố mẹ số tiền đó thì không có nhiều ý nghĩa. Vì thế, bên cạnh quyên góp tiền (và nên là tiền chính các em tiết kiệm được) thì nên đa dạng các hình thức hỗ trợ tinh thần khác, các hoạt động tình nguyện vừa sức.
Hơn nữa, chúng ta cũng cần bảo đảm việc tham gia hoạt động ý nghĩa này vừa minh bạch các nguồn đóng góp nhưng lại phải tránh việc phân biệt ứng xử hay thái độ với những bạn đóng góp số tiền khác nhau. Vì dẫu có giới hạn số tiền rồi thì cũng sẽ có những học sinh đóng nhiều hơn mức đó hoặc đóng góp ít hơn.
Bên cạnh đó, nếu mục tiêu của những hoạt động này là giáo dục lòng nhân ái, tinh thần sẻ chia và trách nhiệm xã hội, trường cần lưu ý rằng không chỉ nên dừng ở những sự vụ đột xuất. Học sinh cần được lên kế hoạch và tham gia các hoạt động thường xuyên để gây quỹ và có thể sử dụng quỹ đó cho những sự kiện khẩn cấp như thiên tai, bão lụt”.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-truong-ha-noi-keu-goi-hoc-sinh-ung-ho-vung-bao-lut-nhin-so-tien-quy-dinh-ai-cung-dong-tinh-20240915164035851.htm