(Dân trí) – Chi phí trung bình để biên đạo 1 tiết mục văn nghệ trong trường học là 8 triệu đồng, theo lời một biên đạo múa tại Hà Nội.
“Tại sao dạy học sinh tập múa hát thì phải rẻ?”
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, một biên đạo múa tại Hà Nội bức xúc khi nhiều phụ huynh cho rằng giá 8 triệu đồng để dàn dựng một tiết mục văn nghệ là quá đắt.
“8 triệu đồng cho cả việc lên kịch bản, làm nhạc, dạy các cháu trong tối thiểu 5 buổi và 1 buổi tổng duyệt trước ngày biểu diễn. Số lượng học sinh có khi lên đến 35-40 cháu. Tất cả đều là chất xám của sáng tạo nghệ thuật và mồ hôi lao động.
Tại sao dạy học sinh tập múa hát thì phải rẻ?”, nữ biên đạo đặt vấn đề.
Xuất phát từ câu chuyện 1 lớp học tại Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, TPHCM, dự chi 21 triệu đồng cho tiết mục văn nghệ chào mừng ngày 20/11, nữ biên đạo cho biết, phần lớn bình luận mà cô đọc được chỉ trích ban phụ huynh và người biên đạo.
“Sở dĩ cư dân mạng phản đối vì họ không hiểu hết giá trị của giáo dục nghệ thuật trong nhà trường”, biên đạo múa nêu quan điểm cá nhân.
Theo lời cô, mức thù lao dàn dựng 1 tiết mục văn nghệ học đường tại Hà Nội phổ biến từ 4-15 triệu đồng, dưới 4 triệu đồng sẽ không có ai nhận.
Trong đó, mức 4-5 triệu đồng chỉ dành cho những mối quan hệ đặc biệt, tính chất tiết mục đơn giản, không quá đông học sinh, không đòi hỏi yếu tố khác biệt hay kịch bản đặc sắc và không cạnh tranh giải thưởng.
Mức 8-10 triệu đồng là mức phổ biến hơn với yêu cầu có kịch bản rõ ràng, có ý nghĩa giáo dục, tính nghệ thuật tốt, không sao chép trên mạng, có khả năng cạnh tranh giải thưởng.
Mức 13-15 triệu đồng thường do phụ huynh trường tự đặt hàng, yêu cầu lồng ghép các nội dung giáo dục liên môn bao gồm văn học – lịch sử – giáo dục địa phương – giáo dục công dân, đồng thời phải đảm bảo tính nghệ thuật cao, không giống với bất kỳ tác phẩm nào trước đó.
“Với mỗi yêu cầu từ phụ huynh, các biên đạo múa sẽ sáng tạo những tác phẩm khác nhau, với hàm lượng chất xám khác nhau.
Tiết mục càng cầu kỳ, độc đáo, càng đòi hỏi biên đạo giỏi nghề. Bởi không chỉ nghĩ ý tưởng, lên kịch bản, biên đạo còn phải hiện thực hóa kịch bản đó sao cho bắt mắt, hấp dẫn nhất trên sân khấu.
Khó hơn nữa là kịch bản phải có tính khả thi, tất cả các học sinh phải múa được và múa đẹp”, nữ biên đạo chia sẻ.
Cô nói thêm, mức thù lao nói trên chỉ áp dụng cho trường học, nơi nguồn kinh phí được huy động từ phụ huynh học sinh. Với các doanh nghiệp, thù lao biên đạo sẽ cao hơn.
Thù lao này cũng không bao gồm chi phí thuê đạo cụ, trang phục. Giá thuê đạo cụ, trang phục cao hay thấp không chỉ do chất lượng mà còn phụ thuộc vào số lượng học sinh tham gia biểu diễn và sự công phu của kịch bản.
“Trong bảng kê của hội phụ huynh lớp, tôi thấy chi phí biên đạo là 10 triệu đồng nhưng số buổi tập là 10 buổi, tức nhiều gấp đôi so với thông thường. Số tiền thuê đạo cụ, trang phục là 5,6 triệu đồng. Tôi đoán rằng đây là tiết mục của tập thể lớp, 100% học sinh tham gia.
Tại Hà Nội, đây là mức chi phí dành cho các mối quan hệ “người nhà””, nữ biên đạo nhận định.
Văn nghệ học đường nay đã khác xưa
Một giáo viên dạy âm nhạc cấp tiểu học trao đổi với phóng viên Dân trí: “Chi phí cho văn nghệ học đường là vấn đề nhạy cảm. Số đông phụ huynh vẫn xem nghệ thuật là môn phụ trong nhà trường và hoạt động văn nghệ là vui chơi, có cũng được, không có cũng không sao”.
Theo nữ giáo viên, văn nghệ học đường là một hoạt động giáo dục, được tổ chức vào những dịp lễ lớn trong trường học như lễ khai giảng, ngày 20/11 và lễ bế giảng. Trong đó, các cuộc thi văn nghệ thường diễn ra vào dịp 20/11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Đây cũng là sự kiện mà phụ huynh thường phải đóng góp kinh phí để các con tập luyện và có một tiết mục biểu diễn tốt.
Cũng theo vị giáo viên này, trước đây, văn nghệ học đường không được coi trọng, nên chủ yếu là “cây nhà lá vườn”. Song hiện tại, ở các thành phố lớn, nơi đời sống văn hóa giải trí ngày càng nâng cao, yêu cầu về văn nghệ học đường đã khác xưa.
Kể từ khi nghệ thuật được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới như một cấu thành quan trọng của giáo dục toàn diện, văn nghệ học đường cũng phải thay đổi theo để thực sự gánh vác trọng trách giáo dục thẩm mỹ cho học sinh.
Nhiều nhà trường đổi mới phương pháp dạy và học cũng lấy nghệ thuật làm công cụ để truyền tải các nội dung kiến thức, đặc biệt là với nội dung giáo dục liên môn.
“Các yếu tố nêu trên đã tác động vào “chất” và “lượng” của văn nghệ học đường, khiến cho hoạt động này trở nên chuyên nghiệp hơn. Muốn chuyên nghiệp thì phải có kinh phí. Phần lớn các nhà trường đều cần tới sự chung tay hỗ trợ từ phụ huynh để xã hội hóa hoạt động văn nghệ”, nữ giáo viên chia sẻ.
Nói về con số 21 triệu đồng cho 1 tiết mục văn nghệ, giáo viên này cho rằng không thể đánh giá cao hay thấp, nhiều hay ít. Mỗi con số phải được căn cứ trên mặt bằng kinh tế của phụ huynh và nhu cầu, mong muốn của họ.
Nữ giáo viên nhận định, mỗi phụ huynh có mục tiêu khác nhau về giáo dục, dẫn đến có những đánh giá khác nhau về giá trị của một tiết mục văn nghệ.
“Ở góc độ cá nhân, là một giáo viên âm nhạc, tôi cho rằng 1 tiết mục văn nghệ trong dịp lễ đặc biệt ở trường học xứng đáng được đầu tư.
Cha mẹ ở thành phố có thể đầu tư vài chục triệu cho 1 khóa học IELTS, vậy nếu đầu tư 400.000-500.000 đồng cho 1 tiết mục văn nghệ với nhiều buổi tập luyện và nhận được nhiều giá trị từ hoạt động đó thì không thể nói là cao, xét ở mặt bằng chung”, nữ giáo viên nói.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/mot-tiet-muc-van-nghe-chao-mung-2011-gan-22-trieu-dong-dat-hay-re-20241108161359732.htm