Vào khoảng giữa những năm 20, cuộc tranh luận về thế giới quan đã đạt tới đỉnh cao. Một thế hệ nhà thơ trữ tình mới xuất hiện.
Giai đoạn văn học hiện đại (2)
Thời kỳ giữa Thế chiến I và Thế chiến II:
Buổi đầu: Sau thảm họa Thế chiến I, một đợt thơ trữ tình dâng lên ca ngợi thú vui cuộc sống, tình yêu và người phụ nữ hiện đại được giải phóng khỏi ước lệ xã hội, nhịp điệu đời sống kỹ thuật hóa.
Nhà thơ E. Bonnelycke. |
E. Bonnelycke (1893-1953) ca ngợi trong lời thơ cháy bỏng (tập Những bài ca nhựa đường) cuộc sống toàn vẹn. Nhà thơ và nhà văn Tom Kristensen (1893-1974) say sưa thể hiện vui sống, những kỳ diệu của kỹ thuật, những cuộc cách mạng sắp tới, nhưng ngay trong cái đam mê vẫn ẩn đôi chút khắc khoải.
O. Gelsted (1888-1968) là nhà thơ đầu tiên tố cáo cái trống rỗng của đời sống hiện đại, Mỹ hóa, ồn ào và tràn ngập quảng cáo, khiến con người không còn tập trung suy nghĩ được nữa. Có cảm tình với chủ nghĩa Marx, ông tố cáo bọn quốc xã Đức xâm chiếm đất nước (bài Những con chim tối tăm, tập Thơ lưu vong).
Trong khi Gelsted phê phán văn minh hiện đại thì J. Paludan (1896-1975) cũng phê phán nhưng quay về dĩ vãng. Ông nói lên những tai hại Mỹ hóa mà J.V. Jensen ca ngợi. Trong cuốn tiểu thuyết Những con đường phương Tây, ông vạch trần những hiện tượng suy thoái của xã hội tư bản Mỹ. Bộ tiểu thuyết hai tập Jorgen Stein là một tác phẩm lớn của văn học hiện thực phê phán Đan Mạch; tác giả miêu tả sự phát triển của xã hội sau Thế chiến I (từ 1919 đến 1933) và phê phán Mỹ hóa. Ông thi vị hóa xã hội tư sản trước 1914.
Khúc nhạc trung gian: Vào khoảng giữa những năm 20, cuộc tranh luận về thế giới quan đã đạt tới đỉnh cao. Một thế hệ nhà thơ trữ tình mới xuất hiện. Cuộc khủng hoảng tinh thần tạm dừng lại.
J.A. Schade (1903-1978) làm thơ hài hước, siêu thực, thể hiện tình cảm vũ trụ và chủ quan về cuộc sống. Ông ca ngợi tình dục (cả trong tiểu thuyết).
Paul La Cour (1902-1956) có hoài bão tiếp xúc với tất cả mọi sinh vật, cảm thông với mọi người. Thơ ông kết hợp bản năng trí tuệ, phi lý tính và lý tính.
Nhà thơ Per Lange (1901-1991) khước từ tôn giáo, ông có thái độ khắc kỷ theo hướng triết học cổ đại. Văn phong của ông trong sáng, cổ điển.
Gustaf Munch Petersen (1912-1938) hy sinh trong chiến tranh Tây Ban Nha chống phát xít, có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa.
Thời kỳ xung đột tư tưởng: Được đánh dấu bởi sự bứt rứt băn khoăn và chủ nghĩa hư vô. Điển hình nhất là Nis Petersen (1897-1943). Cuốn tiểu thuyết Phố thợ đóng dép, trong khung cảnh La Mã cổ đại, miêu tả tâm trạng hoang mang của một xã hội mà các giá trị luôn đổi thay (sách được dịch sang mười thứ tiếng).
Hans Kirk (1898-1962) cộng tác từ 1930 với báo chí cộng sản. Tiểu thuyết và truyện chính trị, xã hội của ông miêu tả đấu tranh giai cấp, chống chủ nghĩa tư bản và phát xít. Những người đánh cá miêu tả sự phát triển của một tập thể xã hội chứ không miêu tả nhân vật riêng lẻ.
Lek Fischer (1904-1956) viết kịch và tiểu thuyết miêu tả nỗi lo âu của xã hội vào những năm 30, khi quốc xã sắp đến. M. Klitgaard (1906-1945) sử dụng kỹ thuật tiểu thuyết Mỹ miêu tả đời sống thủ đô.J. Niesen (1902-1945) viết tiểu thuyết về địa phương Jutland của mình, với thái độ phê phán đời sống tỉnh lẻ. A. Dons (sinh năm 1903), chuyên viết tiểu thuyết tâm lý. Cùng Kirk, ông là nhà văn Marxist nổi tiếng nhất thời kỳ ấy. Ông viết tiểu thuyết trinh thám nhằm miêu tả xã hội tư sản với một bút pháp trào phúng. K. Becker (1891-1974) viết một bộ tiểu thuyết trường thiên miêu tả xã hội Đan Mạch với một ngòi bút phê phán.
Sân khấu: Nhà báo Carl Erik Soya (1896-1983) viết kịch châm biếm có tính chất phân tâm học, lột trần những mánh khóe lừa dối hàng ngày. K. Abell (1901-1961) đã canh tân sân khấu Đan Mạch. Ông chống lại khuôn sáo của giai cấp tư sản – tiểu tư sản, chống phát xít. Ông có khuynh hướng đưa vào kịch những yếu tố tượng trưng dẫn đến chủ nghĩa nhân đạo trừu tượng (đặc biệt do ảnh hưởng chủ nghĩa hiện sinh).
Đỉnh cao của văn xuôi: Trong thời kỳ giữa hai cuộc Thế chiến, có một số nhà văn đạt được những đỉnh cao. Bà Karen Blixen (1885-1962), xuất thân địa chủ quý tộc, là chủ một đồn điền cà phê ở Kenya (châu Phi), nơi bà ở từ 1931 đến 1941. Bà có quan điểm nhân đạo chung chung, thường đối lập thiện và ác. Tập truyện ngắn đầu tiên của bà viết bằng tiếng Anh – Bảy truyện Gothic, in ở Mỹ (1934), sử dụng lối viết mô phỏng, tạo lại văn phong thời đã qua một cách mỉa mai, hấp dẫn. Những kỷ niệm về châu Phi là chất liệu cho những truyện giản dị và cảm động – Trang trại ở châu Phi (1937).
Cũng như Blixen, H.C. Branner (1903-1966) có thái độ hoài nghi và phóng túng đối với các hệ thống tư tưởng, luân lý và xã hội đương thời. Ông đề cập những xung đột tâm lý và xã hội trong thời kỳ Đức chiếm đóng. Quan điểm nhân bản của ông là gìn giữ đạo đức cá nhân quan trọng hơn là cải tạo xã hội. Tiểu thuyết của ông miêu tả sự tha hóa và cô đơn của con người trong xã hội tư bản.
Martin A. Hansen (1909-1955) viết tiểu thuyết và truyện. Mới đầu ông viết những tác phẩm hiện thực phê phán; trong vài cuốn những năm 40, ông ngả sang khuynh hướng tôn giáo và chống lại chủ nghĩa tự nhiên. Khuynh hướng chống Cộng của ông ngày càng rõ. Cuốn tiểu thuyết truyền thanh Kẻ nói dối (1950) là sách bán chạy năm 1999, một tờ báo hàng ngày xếp sách của ông đứng thứ ba trong các tiểu thuyết Đan Mạch.
Văn học Quần đảo Faroe: Quần đảo trở thành miền tự trị của Đan Mạch từ 1948. Có một nền văn học truyền khẩu Faroe từ lâu. Hai nhà văn Faroe nổi tiếng ở Bắc Âu lại viết bằng tiếng Đan Mạch. Jorgen – Frantz Jaconsen (1900-1938) để lại thơ và cuốn tiểu thuyết Barbasa (1939) về đời sống ở quần đảo vào thế kỷ XVIII. W. Heinesen (1900-1991) làm thơ với cảm xúc vũ trụ. Truyện và tiểu thuyết của ông phản ứng với tình trạng xã hội, có nét thơ dân gian và thần bí lãng mạn. Ông viết tiếng Đan Mạch, trừ một vở kịch tiếng Faroe.