Trang chủDataMột thập kỷ sứ mệnh gìn giữ hòa bình...

Một thập kỷ sứ mệnh gìn giữ hòa bình – Bài 3: Chuyện ‘những lần đầu tiên’

“Riêng cuốn tài liệu tiếng Anh về bệnh viện dã chiến cấp 2 này, tôi đã đọc lại ít nhất 4 lần, những tài liệu khác cũng vậy, mình không nghiên cứu kỹ sẽ không thể nắm vững vì những yêu cầu của Liên hợp quốc rất chi tiết…” – Đại tá Mạc Đức Trọng vừa nói, vừa thoăn thoắt sắp xếp lại những tập hồ sơ dày nửa gang tay để phân loại cẩn thận.

Đại tá Mạc Đức Trọng Phó Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam Trưởng nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình Việt Nam chủ trì Hội nghị trực tuyến Kỳ họp 14 Nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình Chu kỳ 4 2021 2023 trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ngày 642021 Ảnh TTXVN

Nhiều năm làm nhiệm vụ tại thực địa trong những môi trường khắc nghiệt, tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm đã góp phần trui rèn nên tác phong, kỷ luật của một sĩ quan mũ nồi xanh dày dạn kinh nghiệm.

Hiện giữ cương vị Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng), song cách đây tròn 10 năm, anh chính là một trong hai sĩ quan cá nhân đầu tiên của Việt Nam được cử tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

“Bỏ phố xin đi rừng”

Ngày 27/5/2014, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam do cố Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì. Tại buổi lễ, Đại tá Mạc Đức Trọng (khi đó giữ cấp bậc Trung tá) và Trung tá Trần Nam Ngạn đã được trao Quyết định lên đường thực hiện nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan – phái bộ UNMISS.

Khi được hỏi “là sĩ quan đầu tiên, nhân vật đặc biệt của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam…”, Đại tá Trọng trả lời ngay: “Tôi không đặc biệt đâu. Chỉ là điều kiện tự nhiên, cơ hội đến với cá nhân mình đúng thời điểm, mình xung phong, xông pha đi trước để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm”. Anh say sưa khi nói về chuyên môn, công việc, về kỷ niệm trong những năm tháng hoạt động tại địa bàn. Nhớ lại cảm xúc khi mới đến phái bộ Nam Sudan, Đại tá Mạc Đức Trọng kể: “Tôi nhớ như in những hoạt động đầu tiên khi tham gia gìn giữ hòa bình, đặt chân lên phái bộ như thế nào. Cả quá trình trong khoảng thời gian đầu ấy, tôi nhớ từng bước chân đã đi qua. Khi xem lại những hình ảnh, thước phim, thấy mình đều có dấu ấn ở nơi đó, cảm thấy rất thú vị”.

Theo Đại tá Trọng, lần đầu có cán bộ Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình, chúng ta được bạn bè quốc tế hỗ trợ rất nhiều, tuy nhiên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ thì đều phải do nỗ lực của chính các cá nhân. Dù được Liên hợp quốc ưu tiên bố trí về nơi ở có điều kiện tốt, thuận tiện cho sinh hoạt và cuộc sống thường ngày; dù được phía Nhật Bản mời ở trong doanh trại “năm sao” tại Juba (thủ đô Cộng hòa Nam Sudan), có đầy đủ cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, có internet… song anh và Trung tá Trần Nam Ngạn quyết định xin đi vùng sâu, vùng xa, để tìm hiểu thực chất và nhiều nhất về hoạt động gìn giữ hòa bình. Chỉ ở Juba trong một thời gian rất ngắn, sau đó anh tới Malakal, còn Trung tá Ngạn ở Bor, đều là những nơi “điển hình” nhất trong hoạt động gìn giữ hòa bình, đặc biệt trong vấn đề bảo vệ dân thường. Cuộc sống ở nơi đó hoàn toàn khác ở thủ đô.

“Ở sở chỉ huy cũng có thể hiểu được một phần hoạt động, nhưng nếu đi các phân khu, những nơi xa nhất, tới vùng biên giới thì chúng ta sẽ tìm hiểu được rất nhiều điều để đóng góp kinh nghiệm cho các đồng chí đi sau. Sau này khi huấn luyện, đào tạo, các đồng chí sẽ không bị bỡ ngỡ, bất ngờ khi chuyển ngay đến những địa bàn điều kiện khó khăn”, Đại tá Mạc Đức Trọng nói.

Tới làm nhiệm vụ tại một đất nước còn nhiều xung đột, những hình ảnh tại Nam Sudan đến giờ còn in đậm trong tâm trí người sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam bởi nó “vượt ngoài sức tưởng tượng”. Chứng kiến xung đột sắc tộc, giữa các phe phái, không có giới tuyến, không phân biệt dân thường, phụ nữ hay trẻ em… càng khiến anh cảm thấy trân trọng hơn nền hòa bình mà đất nước ta đã có được, và quyết tâm đóng góp nhiều hơn cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ đầu tiên, vài năm sau, Đại tá Mạc Đức Trọng có cơ hội quay lại Nam Sudan để tiền trạm, khảo sát việc triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam. Vui vì được trở lại địa bàn, gặp bạn bè, đồng nghiệp cũ với rất nhiều kỷ niệm, song cảm động hơn khi anh cùng các đồng đội vẫn nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình trong công việc. Trong khó khăn, tình cảm và sự giúp đỡ thân tình của bạn bè quốc tế là sự động viên rất lớn, thắp lên niềm tin như những bông hoa xương rồng vẫn nở trên vùng đất Nam Sudan khắc nghiệt, cằn khô.

Năm 2022, Đại tá Mạc Đức Trọng tiếp tục được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ là chỉ huy đơn vị đầu tiên triển khai tại một phái bộ mới: Đội trưởng Đội Công binh số 1 của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ UNISFA, thuộc khu vực Abyei.

Phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi”, Đội Công binh đầu tiên của Việt Nam đã để lại những dấu ấn khó phai trong lòng người dân địa phương và đồng nghiệp quốc tế về Bộ đội Cụ Hồ “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, gửi đi thông điệp và hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam nhân ái, nghĩa tình, trách nhiệm.

Trong hơn 15 tháng thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ UNISFA, Đội Công binh số 1 đã nâng cấp và sửa chữa các tuyến đường giao thông chính của phái bộ với tổng chiều dài gần 70 km; vận chuyển hơn 90.000 m3 đất; sửa chữa, khắc phục 15 điểm ngập lụt, lầy lội, bảo đảm lưu thông thông suốt trên toàn tuyến và vượt tiến độ với kế hoạch đề ra; xây dựng mới 1 sân bay dã chiến cho máy bay hạng nặng MI26 cất, hạ cánh ở Diffra; củng cố, bảo dưỡng 2 sân bay trực thăng quan trọng của phái bộ.

Bên cạnh đó, Đội tổ chức cứu kéo thành công hơn 150 phương tiện của Liên hợp quốc, chủ yếu là các xe chở xăng dầu, thực phẩm và xe thiết giáp; cứu kéo thành công hơn 500 lượt xe ô tô các loại của người dân địa phương. Phái bộ còn tin tưởng giao nhiệm vụ cho Đội Công binh số 1 mở mới 15 tuyến đường tuần tra bảo đảm an ninh an toàn xuyên rừng với tổng chiều dài 303 km… Những thành công đó có sự góp phần quan trọng của người chỉ huy – Đội trưởng, Đại tá Mạc Đức Trọng.

“Chúng ta mang những luồng gió mới đến với người dân địa phương. Từ trước đến nay chưa ai giúp họ, nhưng với lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam, người dân đến nhờ chúng ta đều sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng của mình. Có những việc rất nhỏ, nhưng đối với họ lại rất lớn. Ví dụ để đi vào bệnh viện nơi đó không có đường, chỉ 200 m nhưng khi trời mưa bệnh nhân phải lội bùn lầy, ngập nước để vào, hoặc cõng nhau. Chúng ta sẵn sàng giúp vì Đội có con người, máy móc, nếu chúng ta không giúp thì chục năm sau vẫn sẽ như vậy… Chỉ trong vòng 1,5 ngày, Đội Công binh số 1 đã làm xong con đường dẫn vào bệnh viện…”, Đại tá Trọng kể lại.

Không chỉ làm đường, bộ đội Việt Nam còn dựng trường học, dựng nhà, dạy người dân Nam Sudan cách trồng rau xanh, lương thực… để duy trì tốt cuộc sống cho bản thân và gia đình. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, chức năng “đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, văn hóa truyền thống của Quân đội ta “Đi dân nhớ, ở dân thương”… đã được cán bộ, chiến sĩ Đội Công binh số 1 lan tỏa mạnh mẽ dù ở một đất nước xa Tổ quốc, để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế và người dân địa phương.

Nền móng trưởng thành

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam xuất quân tại Sân bay quốc tế Nội Bài Hà Nội lên đường thực hiện nhiệm vụ của LHQ tại Phái bộ UNISFA ngày 882023 Ảnh TTXVN

Ngày 27/3 vừa qua, Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế thuộc Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chính thức nhận Quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ Phó trưởng Ban Phụ nữ Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam). Thượng tá Hằng Nga chính là nữ sĩ quan cá nhân đầu tiên của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ UNMISS, Nam Sudan với vai trò sĩ quan Tham mưu giám sát các hoạt động quân sự, từ tháng 1/2018 đến tháng 1/2019. Thời điểm đó, chị là Thiếu tá, Trợ lý Phòng Tham mưu – Kế hoạch thuộc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam).

Sau nhiệm kỳ đầu tiên rất thành công, chị tiếp tục được Bộ Quốc phòng và Cục Gìn giữ hòa bình tin tưởng, giao đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 của Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ tại Bentiu, Nam Sudan, từ tháng 5/2022 đến tháng 7/2023. Đến nay, chị cũng là nữ chỉ huy đơn vị đầu tiên của đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình thế giới.

Quá trình công tác, Thượng tá Hằng Nga đã được Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… nhiều lần tặng Bằng khen cùng nhiều phần thưởng khác. Đồng thời, chị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII (nhiệm kỳ 2022-2027).

Nhìn lại hành trình đã qua, Thượng tá Hằng Nga cho biết chị cảm thấy mình rất may mắn vì có hai nhiệm kỳ hành công khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. “Với tôi hai nhiệm kỳ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc đời quân ngũ. Tôi đã có cơ hội được học tập, chuẩn bị kỹ càng mọi mặt về năng lực ngoại ngữ, trình độ chuyên môn gìn giữ hòa bình, về đối ngoại quốc phòng cũng như các kỹ năng sinh tồn ngoài thực địa và kinh nghiệm công tác tại địa bàn khi xa Tổ quốc. Đồng thời, tôi được rèn luyện về ý thức kỷ luật, phương pháp tác chiến độc lập, công tác ngoại giao… Đặc biệt hơn, những thế hệ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh như tôi có thêm nhận thức sâu sắc, thêm trân trọng giá trị của hòa bình mà các thế hệ cha, ông đã phải hy sinh xương máu”, Thượng tá Hằng Nga chia sẻ.

Đến nay, khi đã vinh dự được cấp trên tin tưởng điều động, bổ nhiệm cương vị công tác mới, với những gì được tôi luyện trong thời gian công tác tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, chị luôn sẵn sàng bắt tay thực hiện nhiệm vụ mới theo tinh thần “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”.

“Trên cơ sở những kinh nghiệm đã có, tôi mong muốn là người truyền cảm hứng cho chị em phụ nữ và có cơ hội góp phần thúc đẩy các hoạt động của nữ quân nhân trong Quân đội, nhất là trong hoạt động đối ngoại quân sự quốc phòng, ngoại giao nhân dân, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông… Bởi trong một số lĩnh vực, đến nay sự tham gia của các nữ quân nhân trong toàn quân còn nhiều hạn chế, cần tạo điều kiện và động lực hơn nữa để các chị em hiểu, tự tin và sẵn sàng tham gia”, Thượng tá Hằng Nga nói.

Bên cạnh đó, Phó trưởng Ban Phụ nữ Quân đội cũng mong muốn các nữ quân nhân cần chủ động không ngừng học hỏi nâng cao trình độ, năng lực, sự tự tin và thiết lập được uy tín, khẳng định được năng lực, hiệu quả công việc thực sự; luôn được các đồng nghiệp tín nhiệm, tôn trọng.

Bài cuối: Con đường tới trung tâm huấn luyện tầm quốc tế