Theo công văn do bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) ký, có 2 trường ĐH phía nam bị tước quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời gian 5 năm, từ ngày 2.4.2023 đến ngày 2.4.2028. Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời gian 5 năm từ ngày 30.3.2023 đến 30.3.2028.
Thay vào đó, Bộ GD-ĐT sẽ xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo theo quy định.
Việc tạm dừng thực hiện quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT căn cứ theo quy định của luật Giáo dục ĐH và thông tư quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Hồi tháng 9.2022, các trường ĐH này bị Thanh tra Bộ GD-ĐT xử phạt hành chính vì đã có hành vi vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể là hành vi tuyển sinh vượt số lượng quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Trước đó, cuối năm 2022, Thanh tra Bộ GD-ĐT có quyết định xử phạt hành chính 78 trường ĐH tuyển sinh vượt chỉ tiêu của mùa tuyển sinh 2021. Theo Thanh tra bộ, ngoài tuyển sinh vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, một số trường còn bị xử lý vì tuyển sinh không đúng đề án đã xác định và công khai, dù chưa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực của mình. Ngoài xử phạt hành chính, các trường vi phạm không được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo… trong thời hạn 5 năm.
Ngày 2.6, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 04 năm 2021 và Nghị định 127 năm 2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết sau một năm áp dụng Nghị định 127, trong số khoảng 300 trường ĐH và các trường CĐ sư phạm đã có tới gần 100 trường bị xử phạt. Về căn cứ xác định vi phạm vượt chỉ tiêu tuyển sinh, trong quy định hiện hành chỉ tính theo tiêu chí tỷ lệ phần trăm. Nhưng theo dự thảo sửa đổi, căn cứ này được xác định gồm cả tỷ lệ phần trăm và số lượng tuyệt đối. Theo tổ soạn thảo, việc bổ sung tiêu chí này nhằm tránh tình trạng ngành hoặc lĩnh vực có chỉ tiêu thấp, số lượng tuyển vượt tuyệt đối rất nhỏ vẫn bị xử phạt.
Theo quy định hiện hành, mức phạt thấp nhất từ 5-10 triệu đồng áp dụng khi trường tuyển vượt từ 3% đến dưới 10% chỉ tiêu. Nhưng với dự thảo mới, mức phạt này được áp dụng trong trường hợp số tuyển vượt từ 3% đến dưới 10% và số lượng người học tuyển vượt từ 60 người trở lên. Tương tự ở các mức tiếp theo, số tiền phạt tăng lên cùng với tỷ lệ và số lượng người học tuyển vượt.
Cụ thể, phạt 10-30 triệu đồng nếu tuyển vượt 10 đến dưới 15% và có số lượng vượt từ 100 người học trở lên; 30-50 triệu đồng cho mức vượt 15 đến dưới 20% và tối thiểu 150 người học; 50-70 triệu nếu vượt từ 20% trở lên và tối thiểu 200 người học.