Bên cạnh những kết quả đạt được sau hơn 40 năm tham gia Công ước quốc tế các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESR), việc bảo đảm quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của công dân Việt Nam cũng bộc lộ những hạn chế, vướng mắc nhất định.
Một trong các nguyên nhân chính là do việc dạy nghề còn chưa sát thực, phù hợp với đời sống thực tế, đôi lúc mang nặng tính hình thức, lãng phí. Ngoài ra, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng chưa thực sự gắn với thị trường lao động, chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ để duy trì việc làm cho người lao động để tránh sa thải lao động.
Bên cạnh đó, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa được mở rộng đến người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao.
Để bảo đảm tốt hơn, có hiệu quả các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa ở nước ta trong thời gian tới, cần tập trung vào các giải pháp sau đây:
Một là, nghiên cứu thành lập cơ quan độc lập tương đối với bộ máy nhà nước với chức năng, nhiệm vụ chính là giám sát hoạt động của cơ quan hành chính và tòa án trong việc tuân thủ hiến pháp, pháp luật, tăng cường tính khách quan, công bằng, bảo đảm quyền của công dân không bị xâm phạm bởi hoạt động của cơ quan nhà nước. Cơ quan này sẽ do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập với các cơ quan nhà nước, chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Hiện nay, đã có nhiều quốc gia hình thành các cơ quan độc lập tương đối với bộ máy nhà nước nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được gọi chung là thể chế hoặc cơ quan quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, như: Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Thụy Điển… đã thành lập thanh tra Quốc hội (Ombudsman) để bảo vệ quyền con người được tốt hơn. Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên để vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp vào bối cảnh của đất nước.
Hai là, đẩy mạnh cải cách chương trình giáo dục, dạy nghề, đào tạo nghề. Đối với các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, dạy nghề cho thanh niên cần tiếp tục được quan tâm, đầu tư, trong đó lưu ý sự phù hợp với đời sống thực tế, xác định mức độ đầu tư phù hợp với từng ngành nghề, tránh hình thức, dàn trải, lãng phí. Ngoài ra, đối với chính sách bảo hiểm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cần được lưu ý hơn để gắn với thị trường lao động.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có nhiều biện pháp hỗ trợ để duy trì việc làm cho người lao động tránh trường hợp người lao động bị sa thải đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Ba là, tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo tồn giữ gìn giá trị văn hóa đặc biệt giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, xây dựng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới.
Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục bổ sung nguồn vốn hỗ trợ để duy trì, và phát huy các nghi lễ đặc sắc, các trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, đối với các hành vi vi phạm quyền văn hóa Nhà nước cần có chế tài xử lý một cách nghiêm minh.
Bốn là, tăng cường đối thoại nhằm mục tiêu tăng cường hiểu biết lẫn nhau, góp phần thúc đẩy quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Đồng thời, xác định rõ đối thoại là một trong những phương án hữu ích, có hiệu quả cao được lựa chọn, sử dụng để bác bỏ những thông tin, quan điểm sai trái, thậm chí xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật về dân chủ, nhân quyền ở nước ta mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tạo ra nhằm mục đích chống phá Đảng và Nhà nước.
Năm là, nâng cao hơn nữa vai trò của Nhà nước, các cấp các ngành, các tổ chức, đoàn thể trong việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
Vì vậy, để bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là quyền dân sự, chính trị, cần có sự chủ động phối hợp giữa các cơ quan chức năng, huy động sự tham gia của mọi lực lượng xã hội.
Trà Khánh