Chia sẻ tại hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025”, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch công ty cổ phần Fiingroup (công ty cung cấp dịch vụ tích hợp dữ liệu tài chính, thông tin doanh nghiệp), đã đề cập tới việc thị trường chứng khoán tại Việt Nam chậm phát triển, biểu hiện là VN-Index mãi “loanh quanh” 1.200 điểm.
Ông cho hay, khi tham dự một hội nghị về thị trường chứng khoán tại Singapore có sự tham dự của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc mới đây, rất nhiều chuyên gia đã hỏi ông: Tại sao gần 20 năm VN-Index vẫn loanh quanh 1.200 điểm, trong khi Dow Jones đã tăng gấp 3-4 lần?
“Tôi chỉ nói lúc VN-Index 1.170 điểm, P/E của Việt Nam là 37-40, còn bây giờ VN-Index 1.200 điểm thì P/E là 11-13”, ông Thuân nói và cho biết thêm rằng điều này tùy thuộc chiến lược đầu tư của mỗi bên.
Nói thêm về các quỹ đầu tư nước ngoài, ông Thuân cho biết Việt Nam đã hình thành thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các quỹ hiện có nhu cầu đầu tư đa kênh rất lớn vào trái phiếu và cổ phiếu, thậm chí đầu tư một phần vào trái phiếu Chính phủ.
Cũng theo ông Thuân, điều này cho thấy còn tiềm năng rất lớn cho hoạt động của các quỹ, nhưng thị trường còn nhỏ. Chuyên gia này cho rằng con số 9 triệu tài khoản sẽ còn tăng tiếp, có thể lên tới 15 triệu tài khoản nên cần cải thiện thiết kế chính sách để phục vụ nhà đầu tư.
Theo ông Thuân, cần chú trọng về tính minh bạch thông tin, thúc đẩy các quỹ đầu tư trong nước để “đấu tranh” với nhà đầu tư nước ngoài. Do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư qua các quỹ, đầu tư lâu dài nên họ rất ít khi lỗ, còn ở thời điểm hiện tại nhà đầu tư cá nhân thì dễ lỗ hơn, một phần do tư duy “lướt sóng”.
Chia sẻ về hiệu quả của các quỹ, ông Thuân cho rằng, một trong những điểm Việt Nam đang còn thiếu là các định chế tài chính, các quỹ quản lý đầu tư chuyên nghiệp vì các quỹ mấy trăm tỷ USD hầu như là ủy thác khi đầu tư vào thị trường Việt Nam. Riêng quỹ ETF thì hiệu quả không phải là lãi bao nhiêu mà là theo dõi sự thay đổi chênh lệch (tracking error) so với index.
“Đối với các quỹ mở cổ phiếu, để đánh giá được hiệu quả của quỹ đầu tư thì chúng tôi thường nhìn vào thời gian 5-10 năm và lợi nhuận mang tính ổn định, chứ không thể nói là quỹ này, quỹ kia hoạt động hiệu quả tốt hơn 1 năm”, ông Thuân chia sẻ.
Nhưng từ dữ liệu cho thấy hầu hết nhà đầu tư outperform (vượt trội) là nhà đầu tư cá nhân, ví dụ VN-Index tăng 10%/năm thì dù tính cách nào các nhà đầu tư cũng tăng gấp đôi, gấp rưỡi chỉ số.
“Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả các quỹ, không chỉ nhìn vào lợi nhuận mà còn phải nhìn vào rủi ro”, ông Thuân cho biết. Ông cho rằng, thay vì chỉ tung hô các quỹ có hiệu quả (perform) tốt, mà phải hiểu các rủi ro là thế nào.
Ông Thuân cũng chia sẻ một số biện pháp gợi mở nhằm nâng cao chất lượng hàng hoá trên thị trường chứng khoán. “Về phần đề xuất chính sách, tôi sẽ dùng từ “gợi mở” chính sách vì rất nhiều điều tôi nói ra đây có thể 5-20 năm nữa Việt Nam mới có thể áp dụng vì để có được đề xuất cần cụ thể và nghiên cứu sâu hơn về cơ sở pháp lý, hiện trạng của Việt Nam, thông lệ quốc tế và thực sự có thể áp dụng ở Việt Nam hay không?”, ông Thuân cho biết.
Cụ thể, theo ông Thuân, với sản phẩm cổ phiếu, nên: Đẩy mạnh giảm sở hữu Nhà nước ở những công ty, ngành mà Nhà nước không cần sở hữu chi phối hoặc kiểm soát; khuyến khích các doanh nghiệp trên UPCoM chuyển sang sàn niêm yết và nâng cao hoặc rà soát chuẩn niêm yết hoặc để các công ty tăng cường quản trị doanh nghiệp và minh bạch; tiếp tục cải thiện hơn nữa chất lượng công bố thông tin.
Với sản phẩm trái phiếu, ngoài việc tiếp tục chuẩn hóa minh bạch thông tin, cần đa dạng hàng hoá, triển khai hoạt động xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp; hình thành khung pháp lý cho các công ty bảo lãnh trái phiếu và xây dựng nền tảng mềm (đường cong lãi suất, lịch sử vỡ nợ,…)
Nói thêm về cơ chế cho trái phiếu xanh, ông Thuân cho biết, trái phiếu xanh đạt tổng giá trị phát hành khoảng 6,87 nghìn tỷ và chiếm 2% tổng trái phiếu phi ngân hàng phát hành từ đầu năm 2024. Đây là một con số rất nhỏ.
Đưa ra khuyến nghị phát triển cơ sở nhà đầu tư tổ chức vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Thuân cho biết, các định chế đầu tư tổ chức bao gồm quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện còn sở hữu rất hạn chế (chưa đến 10% giá trị trái phiếu lưu hành). Do đó, cần sửa đổi quy định để phát triển nhà đầu tư tổ chức: cho phép các định chế tài chính tham gia sâu hơn vào trái phiếu doanh nghiệp dựa trên khung quản trị đầu tư dựa trên rủi ro (Risk-Base Capital).
Bên cạnh đó, theo ông Thuân, cần hướng tới áp dụng phân bổ tài sản theo rủi ro cho các công ty bảo hiểm, cho các tổ chức tín dụng.
Nguồn: https://nhandan.vn/mot-so-giai-phap-de-thi-truong-von-viet-nam-phat-trien-hieu-qua-hon-post853200.html