(ĐCSVN) – Ngày 06/12, tại thành phố Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu Kiến trúc & Đô thị Hàn Quốc và Công ty TNHH SMC Huế tổ chức Diễn đàn quốc tế lần thứ ba với chủ đề “Một số định hướng phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Đây là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế tiềm năng, khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường và đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển kinh tế địa phương. Diễn đàn sẽ giới thiệu và thảo luận về một số định hướng phát triển kinh tế địa phương như kinh tế di sản, kinh tế số và kinh tế xanh tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển dữ liệu số và công nghiệp văn hóa trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo, phát triển bền vững giá trị văn hóa của di sản Cố đô Huế, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực, từng bước thực hiện thành công Nghị quyết 54 – NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết 175/2024/QH15 về việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc trung ương, là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong phát triển của Thành phố Huế. Kinh tế di sản sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển Huế trở thành một thành phố hiện đại, bền vững trong tương lai, biến những giá trị văn hoá lịch sử thành những giá trị kinh tế mà kinh tế sẽ là nguồn nuôi sống lại di sản, góp phần ngược lại cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Ông Reigh Young Bum, Chủ tịch viện Kiến trúc và Đô thị phát biểu tại diễn đàn. |
Diễn đàn quy tụ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức quốc tế, cùng nhiều đại biểu đến từ các Sở ngành, tổ chức trong và ngoài nước. Mục tiêu của diễn đàn là thảo luận về các giải pháp và định hướng phát triển kinh tế bền vững, đồng thời chia sẻ các mô hình thành công và kinh nghiệm từ các địa phương khác và quốc tế trong việc phát huy giá trị di sản, thúc đẩy kinh tế xanh và ứng dụng công nghệ số vào các ngành kinh tế.
Các nội dung tại Diễn đàn: Kinh tế Di sản (Heritage Economy; Kinh tế Xanh (Green Economy); Kinh tế Số (Digital Economy. Diễn đàn Quốc tế Huế hàng năm sẽ được tổ chức tại Huế vào ngày thứ 6, tuần đầu tiên của tháng 12 hàng năm. Vì vậy, Diễn đàn Quốc tế Huế 2025 – Lần thứ IV dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 05/12/2025.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Reigh Young Bum, Chủ tịch viện Kiến trúc và Đô thị cho biết: Từ những bước đi đầu tiên vào năm 2022, Diễn đàn Quốc tế với sự hợp tác của Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Đô Thị cùng với Thành phố Huế – Việt Nam đã phát triển vững chắc nhờ sự hợp tác chặt chẽ của hai bên. ‘2024 HUE INTERNATIONAL FORUM’ được tổ chức lần thứ 3 vào năm nay mang ý nghĩa rất đặc biệt là nơi để thảo luận về phát triển đô thị bền vững, tập trung vào nhiều chủ đề đa dạng như văn hóa lịch sử, kinh tế số, kinh tế xanh.
Quang cảnh diễn đàn. |
Chủ đề năm nay “Green & IT for Sustainable evelopment on Cultural Industry & Heritage Economy in Thua Thien Hue( Một số định hướng phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số tại Thành phố Huế)” đề cập đến một trong những thách thức quan trọng nhất mà thời đại chúng ta đang phải đối mặt. Để bảo tồn di sản văn hóa quý giá đồng thời thúc đẩy nền kinh tế địa phương, chúng ta cần sự tiếp cận một cách sáng tạo là sự kết hợp của kinh tế xanh và công nghệ thông tin. Những ý tưởng và ví dụ điển hình đa dạng được thảo luận hôm nay sẽ là những bài học bổ ích quan trọng cho thành phố Huế trong việc vạch ra kế hoạch phát triển bền vững cho thành phố trong tương lai. Ngoài ra, tôi hi vọng diễn đàn lần này sẽ là bước ngoặt để chúng ta cùng nhau phát triển và thiết kế ra những không gian đô thị tốt hơn.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế – Hoàng Việt Trung: Trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và nhu cầu bảo tồn văn hóa, kinh tế xanh và kinh tế số nổi lên như những giải pháp chiến lược để đảm bảo phát triển bền vững. Với lợi thế là một vùng đất giàu giá trị di sản và văn hóa, Thừa Thiên Huế sở hữu một kho tàng di sản UNESCO đặc biệt phong phú và đa dạng, tạo nên một lợi thế độc nhất trong việc phát triển đa ngành. Với 8 di sản thế giới UNESCO, trong đó có 6 di sản độc đáo của riêng mình, Huế nắm giữ vị thế đặc biệt không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực Đông Nam Á. Sự kết hợp độc đáo giữa di sản vật thể, phi vật thể và tư liệu tạo ra một hệ sinh thái văn hóa-lịch sử toàn diện, mở ra cơ hội phát triển đan xen và bổ trợ cho nhau giữa các ngành.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế – Hoàng Việt Trung phát biểu tại diễn đàn. |
Lợi thế vượt trội của Huế nằm ở sự đa dạng và tính liên kết của các di sản. Quần thể di tích Cố đô Huế không chỉ là một công trình kiến trúc đơn thuần, mà còn là nơi lưu giữ âm nhạc cung đình, thơ văn trên kiến trúc, và những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng, hệ thống thủy đạo, cảnh quan, cây xanh,…. Sự giao thoa này tạo ra một trải nghiệm văn hóa tổng thể, khác biệt hoàn toàn so với các di sản đơn lẻ ở các địa phương khác. Điều này mở ra cơ hội phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm đa chiều, kết hợp giữa tham quan, thưởng thức nghệ thuật và học hỏi lịch sử. Hơn nữa, sự hiện diện của cả di sản vật thể và phi vật thể tạo điều kiện để Huế phát triển một nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo độc đáo.
Huế có lợi thế vượt trội trong việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế số lấy di sản làm nền tảng. Sự kết hợp độc đáo giữa các loại hình di sản tạo ra cơ hội phát triển đan xen giữa du lịch, văn hóa, giáo dục, công nghệ và sáng tạo, không chỉ bảo tồn và phát huy di sản mà còn tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng và phát triển Huế (thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam) là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á, Châu Á; trung tâm khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, y tế chuyên sâu, là thành phố di sản, văn hóa đầu tiên của Việt Nam trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/mot-so-dinh-huong-phat-trien-kinh-te-di-san-kinh-te-xanh-va-kinh-te-so-tai-tinh-thua-thien-hue-685503.html