Tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy, tại ngân hàng BIDV Chi nhánh Đồng Khởi.
Toàn tỉnh có 21.167 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, với 1.574 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Trong đó, có 3.050 cơ sở do cơ quan Công an quản lý, 18.117 cơ sở do UBND cấp xã quản lý. Các loại hình cơ sở trên địa bàn tỉnh có 171 chợ, 4 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, 542 cơ sở giáo dục, 7 bệnh viện, 6 trung tâm y tế, hơn 9.700 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Có 3 công trình cao đến 10 tầng.
Để công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trong thời gian tới được tập trung, hiệu quả hơn các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của trung ương và địa phương về công tác PCCC và CNCH, trọng tâm là tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ động đề ra chương trình, kế hoạch, lộ trình thực hiện đạt kết quả.
Tiếp tục phát huy trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCCC và CNCH, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành. Quá trình thực hiện phải đảm bảo đầy đủ, toàn diện, hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện, nhất là ở cơ sở.
Quán triệt quan điểm, phương châm trong công tác PCCC và CNCH “phòng ngừa là chính”, trong đó tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH. Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động đảm bảo phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, từng lĩnh vực với yêu cầu phải “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện” để mỗi tổ chức, cá nhân nắm vững, tự giác chấp hành.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực PCCC và CNCH. Trong đó, yêu cầu các cấp, các ngành phải tập trung quản lý địa bàn, cơ sở, lĩnh vực theo đúng chức năng đã được pháp luật quy định, nhất là quản lý cơ sở về PCCC. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các quy định pháp luật về PCCC và CNCH.
Thường xuyên dự báo, nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện, xử lý tốt những vấn đề phức tạp, phát sinh, nhất là những sở hở, thiếu sót trong công tác PCCC và CNCH. Tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý, phúc tra, hướng dẫn việc chấp hành pháp luật trong công tác PCCC và CNCH.
Tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, nhất là các đội dân phòng, đội PCCC ở các khu dân cư, cơ quan, đơn vị, địa phương. Thường xuyên rà soát, đánh giá toàn diện về tổ chức, biên chế, trang bị và chất lượng hoạt động của các lực lượng này, để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Kịp thời phối hợp, triển khai các biện pháp, xử lý có hiệu quả tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra, theo phương châm “bốn tại chỗ”. Thường xuyên rà soát, bổ sung, kiện toàn lực lượng, phương án, các điều kiện đảm bảo về giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc, trang thiết bị, phương tiện… phục vụ công tác chữa cháy và CNCH ngay từ khi mới phát sinh.
Tin, ảnh: Hoàng Lam