(QBĐT) - Ngày 26/11/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Công chứng năm 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Luật này không chỉ khắc phục những hạn chế, bất cập của hệ thống công chứng hiện tại mà còn tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển bền vững, chất lượng của ngành công chứng, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những điểm mới của luật, phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã có buổi trao đổi với bà Hoàng Thị Lệ Hải, Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục Pháp luật (Sở Tư Pháp). Sau đây là nội dung:
● P.V: Luật Công chứng 2024 có thay đổi một số khái niệm và quy định mới về tiêu chuẩn bổ nhiệm, hành nghề của công chứng viên (CCV), tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC), bà có thể nói rõ hơn về điều này.
- Bà Hoàng Thị Lệ Hải: Luật Công chứng năm 2024 thay đổi một số khái niệm như thay cụm từ "hợp đồng, giao dịch" bằng "giao dịch", thay thế quy định về "chứng nhận bản dịch" bằng "chứng thực chữ ký người dịch" theo quy định của pháp luật về chứng thực...
Thay đổi đáng chú ý của luật là việc điều chỉnh độ tuổi bổ nhiệm CCV. Cụ thể, một trong các tiêu chuẩn để bổ nhiệm CCV là công dân Việt Nam không quá 70 tuổi và CCV đương nhiên miễn nhiệm khi quá 70 tuổi. Tuy nhiên, CCV quá 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn 2 năm.
Bên cạnh đó, luật cũng giảm thời gian yêu cầu công tác pháp luật từ 5 năm xuống còn 3 năm để được bổ nhiệm CCV. Thời gian tập sự hành nghề công chứng quy định tất cả các đối tượng đều phải tập sự 12 tháng thay vì có sự phân biệt như trước đây.
Luật Công chứng năm 2024 giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành đề án quản lý, phát triển các TCHNCC, đồng thời xem xét, quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch từ Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã sang TCHNCC tại những địa bàn cấp huyện đã phát triển được TCHNCC đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức theo quy định của Chính phủ.
Đối với Phòng Công chứng (PCC), để bảo đảm sự tương đồng về điều kiện hoạt động giữa hai loại hình TCHNCC là PCC và Văn phòng công chứng (VPCC), nâng cao tính ổn định của PCC, luật quy định PCC phải có từ 2 CCV trở lên, trừ trường hợp các địa bàn cấp huyện được thành lập VPCC tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì PCC có thể có 1 CCV. Luật cho phép các PCC hiện nay đang có 1 CCV được tiếp tục hoạt động và trong thời hạn 1 năm kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành phải đáp ứng điều kiện có từ 2 CCV trở lên. Luật đã giao cho Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức trưởng PCC thay vì giao cho chủ tịch UBND cấp tỉnh như hiện nay. Chính phủ quy định lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi PCC thành VPCC, giải thể PCC tại các địa phương.
Về VPCC, ngoài việc được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh còn cho phép thành lập VPCC theo loại hình doanh nghiệp tư nhân ở các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng, dịch vụ chưa phát triển...
Luật còn bổ sung quy định về việc VPCC chỉ được thay đổi địa chỉ trụ sở trong phạm vi địa bàn cấp huyện nơi đặt trụ sở theo quyết định cho phép thành lập của UBND cấp tỉnh để bảo đảm sự phân bố hợp lý, phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức; thay quy định về chuyển nhượng VPCC theo loại hình công ty hợp danh bằng quy định về chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của toàn bộ thành viên hợp danh của VPCC để vừa phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp vừa bảo đảm ổn định hoạt động của VPCC; bổ sung quy định về việc bán VPCC theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, quy định về tạm ngừng hoạt động của VPCC để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng và tổ chức, cá nhân có liên quan...
Mặt khác, luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm chấm dứt tư cách thành viên của CCV hợp danh. Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, CCV đã chấm dứt tư cách thành viên hợp danh vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của VPCC phát sinh trong thời gian là thành viên hợp danh của VPCC đó; hết thời hạn này, CCV mới được thành lập, tham gia thành lập VPCC mới, hợp danh vào VPCC chứng khác hoặc mua VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân nhằm nâng cao trách nhiệm của CCV, khắc phục tình trạng thường xuyên thay đổi CCV hợp danh của các VPCC.
● P.V: Về quy định hành nghề công chứng, luật này được sửa đổi, bổ sung như thế nào, thưa bà?
- Bà Hoàng Thị Lệ Hải: Để bảo đảm tốt hơn quyền của CCV, Luật Công chứng năm 2024 bổ sung một hình thức hành nghề mới là CCV làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại PCC để tạo thêm cơ hội hành nghề cho CCV, vừa giúp các PCC giải quyết khó khăn trong việc thiếu CCV... Luật cũng quy định cắt giảm thủ tục đăng ký hành nghề cho CCV và quy định Sở Tư pháp cấp thẻ CCV khi thực hiện thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động hoặc bổ sung CCV của TCHNCC...
● P.V: Luật Công chứng 2024 có quy định mới công chứng điện tử. Đây có phải là tiền đề quan trọng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác chuyển đổi số hoạt động công chứng không, thưa bà?
- Bà Hoàng Thị Lệ Hải: Đúng vậy. Tại điều 62, Điều 65 của luật quy định rất rõ về nội dung này. Theo đó, có 2 hình thức công chứng điện tử là công chứng điện tử trực tiếp (người yêu cầu công chứng giao kết giao dịch trước mặt CCV, sau đó CCV và TCHNCC thực hiện chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử) và công chứng điện tử trực tuyến (các bên tham gia giao dịch yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng 1 địa điểm và giao kết giao dịch qua phương thức trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của CCV). CCV và TCHNCC thực hiện nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử.
Việc ban hành Luật Công chứng năm 2024 đánh dấu một bước tiến quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống công chứng, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển của ngành công chứng, đồng thời đáp ứng yêu cầu của xã hội và các tổ chức, cá nhân. Những sửa đổi, bổ sung trong luật không chỉ giúp cải thiện hoạt động công chứng mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công chứng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, doanh nghiệp.
● P.V: Xin cảm ơn bà!
NH.V (thực hiện)
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/202502/mot-so-diem-moi-cua-luat-cong-chung-nam-2024-2224330/
Bình luận (0)