Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HPG
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSNV) khuyến nghị mua cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát với giá mục tiêu 31.121 đồng/cổ phiếu theo luận điểm đầu tư: Giai đoạn khó khăn nhất đối với ngành thép và HPG đã đi qua. Công ty đang chuyển sang sản xuất thép chất lượng cao, trong quý I/2024 sản lượng thép HRC tăng lên 805.000 tấn (+67% so với cùng kỳ), tỷ trọng thép HRC trong tổng sản lượng tăng lên mức 40%, cho thấy HPG đang chuyển dần lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị ngành thép.
Năm 2024, HPG đặt mục tiêu doanh thu là 140.000 tỷ đồng (+18% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế là 10.000 tỷ đồng (+46% so với cùng kỳ). YSVN dự phóng kết quả kinh doanh năm 2024 cũng tương đương với kế hoạch này và quan điểm của nhóm phân tích là kịch bản này sẽ khá sát thực tế.
Câu chuyện vụ kiện chống bán phá đối với thép HRC Trung Quốc, nếu được Bộ Công thương chấp nhận sẽ tác động tích cực lên giá bán HRC trong nước và sẽ tác động tích cực với giá cổ phiếu.
Định giá cổ phiếu: P/E dự phóng lần lượt là 18,7x và mức P/B dự phóng 1,8 lần để chờ đợi triển vọng của Dung Quất 2 bắt đầu vận hành vào đầu năm 2025.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VNM
Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, năm 2024, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM) sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn so với giai đoạn 2020-2023 nhờ: giá nguyên vật liệu đầu vào đã hạ nhiệt hỗ trợ cải thiện biên lợi nhuận gộp lên mức 42%, nhu cầu tiêu dùng được cải thiện trong nửa cuối năm và tiềm năng tăng trưởng từ các dự án mới.
Ước tính, doanh thu thuần của VNM năm 2024 đạt 62.603 tỷ đồng (tăng 3,7% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 9.279 tỷ đồng (tăng trưởng 2,9%).
DSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VNM dựa trên triển vọng cải thiện kết quả kinh doanh, định giá ở vùng hấp dẫn, mức chi trả cổ tức cao và tài chính an toàn.
Luận điểm đầu tư: Thứ nhất là biên lợi nhuận được hỗ trợ bởi giá nguyên liệu. Giá các loại sữa bột nguyên liệu nhìn chung vẫn ở trong xu hướng giảm kể từ năm 2021. DSC cho rằng, giá sữa bột nguyên liệu thế giới sẽ không tăng mạnh trong năm nay nhờ sản lượng sản xuất tăng và nhu cầu tiêu thụ tại một số thị trường lớn dự báo giảm. Diễn biến giá nguyên vật liệu thuận lợi kỳ vọng giúp ổn định biên lợi nhuận gộp năm 2024 của các doanh nghiệp sữa.
Thứ hai, kỳ vọng sức mua nội địa hồi phục, thị trường nước ngoài tiếp tục tăng trưởng. Tuy sức mua ngành Sữa Việt Nam giảm 2,8% so với cùng kỳ, kết quả kinh doanh của VNM vẫn tăng trưởng nhẹ do được bù đắp bởi sự tăng trưởng của các mặt hàng khác như sữa nước, sữa chua… VNM cũng nằm trong số ít các doanh nghiệp sữa có mức tăng trưởng dương trong quý trước. Doanh thu thị trường nước ngoài đang cho thấy tín hiệu hồi phục nhanh hơn thị trường nội địa với mức tăng trưởng cao hơn trong 3 quý gần đây.
Thứ ba, động lực mới từ các dự án lớn giai đoạn 2024-2030. Dự kiến, các dự án lớn sẽ được VNM đẩy mạnh trở lại kể từ quý III/2024, trong đó đáng chú ý là việc khởi công dự án Nhà máy sữa Hưng Yên trong tháng 6 – 7/2024. DSC kỳ vọng các dự án trên sẽ mang lại động lực mới cho VNM trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng chững lại trong các năm gần đây.
Khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu GMD
Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) khuyến nghị theo dõi cổ phiếu CTCP Gemadept (mã chứng khoán GMD) với giá mục tiêu 78.100 đồng/cổ phiếu theo luận điểm đầu tư: Kỳ vọng sản lượng năm 2024 hồi phục nhờ nhu cầu tiêu dùng tại các nước đối tác thương mại của Việt Nam cải thiện, đạt hơn 3,7 triệu TEU, tăng mạnh +23,6% so với mức nền rất thấp năm 2023.
Sản lượng nhóm cảng Bình Dương và Phước Long ICD kỳ vọng đạt 1,1 triệu TEU (+20% so với cùng kỳ).
Sản lượng Gemalink ước đạt 1,4 triệu TEU (+40% so với cùng kỳ) nhờ nhu cầu từ thị trường Mỹ và EU cải thiện mạnh.
Sản lượng nhóm cảng miền Bắc ước đạt 1,18 triệu TEU (+11% so với cùng kỳ) nhờ nhu cầu từ thị trường nội Á, đặc biệt là Trung Quốc hồi phục.
FPTS kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2024 của GMD đạt lần lượt 4.021 tỷ đồng (+4,6% so với cùng kỳ) và 1.593 tỷ đồng (-37,1% so với cùng kỳ) do không còn ghi nhận lợi nhuận bất thường từ việc bán cảng Nam Hải Đình Vũ. Nếu loại bỏ các khoản lợi nhuận bán cảng, lợi nhuận sau thuế năm 2024 ước tăng +24,8% so với cùng kỳ.
Cảng nước sâu Gemalink là động lực tăng trưởng trong dài hạn nhờ nhu cầu xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng bình quân 14,5%/năm giai đoạn năm 2023 – 2028 (theo Fitch Solutions), nâng 40% công suất khi đưa giai đoạn 2A vào hoạt động năm 2026; Thông tư 39/2023/TT–BGTVT giúp nâng 10% giá dịch vụ xếp dỡ. Lợi nhuận từ Gemalink ước tính sẽ chiếm 20,5% lợi nhuận trước thuế của GMD trong năm 2028, cải thiện từ mức 1,3% trong năm 2023, tương đương với tốc độ tăng trưởng bình quân 15,4%/năm giai đoạn năm 2024 – 2028.
► Nhận định chứng khoán 4/7: Thị trường vẫn đang có động lực hồi phục
Nguồn: https://vov.vn/thi-truong/chung-khoan/mot-so-co-phieu-can-quan-tam-ngay-47-post1105601.vov