Theo Liên đoàn bia Đức, điều này có nghĩa là bạn sẽ mất tới 15 năm để uống hết các loại bia Đức nếu mỗi ngày uống một loại bia khác nhau. Sự phong phú này có được bởi ở Đức có tới trên 100 hoa bia khác nhau, 40 loại mạch nha và 200 chủng nấm men, điều đó giúp tạo ra nhiều loại bia với rất nhiều hương vị khác nhau.
Người Đức rất coi trọng bia của họ. Theo sử liệu, các tu viện ở Đức đã sản xuất bia cho công chúng tiêu dùng từ cuối năm 1000 sau Công nguyên. Phần lớn các tu viện sản xuất bia nằm ở miền nam nước Đức và một số trong số đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Chẳng hạn như tu viện Weihensteph-an, nằm ở phía bắc của Munich, được thành lập vào năm 1040, là nhà máy bia lâu đời nhất vẫn còn hoạt động trên thế giới.
Vào thế kỷ XVI, ở Đức xuất hiện Luật về độ tinh khiết của bia. Luật này có hiệu lực vào năm 1516 ở Bavaria, dưới sự cai trị của Công tước Wilhelm IV, trong đó quy định rằng tất cả các loại bia được ủ ở Bavaria chỉ được làm từ mạch nha, hoa bia và nước sạch – không được phép sử dụng chất phụ gia. Sau đó, vào thế kỷ XIX, các nhà khoa học Đức và Pháp đã phát hiện ra vai trò quan trọng của men và men đã được thêm vào danh sách các thành phần được phép sử dụng. Luật về độ tinh khiết của bia dần dần được thông qua trên toàn quốc và vẫn là luật chính điều chỉnh việc sản xuất bia kể từ năm 1906. Luật này giúp bảo tồn kỹ thuật thủ công truyền thống, được coi là luật thực phẩm lâu đời nhất thế giới vẫn còn hiệu lực.
Trên khắp nước Đức, bia được uống vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày, thường là trong các bữa ăn hoặc cùng với món ăn vặt phổ biến nhất ở quán bar – món bánh quy mặn nhẹ. Lễ hội bia Oktoberfest của Đức là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất thế giới.