Tôm công nghiệp hiện là một trong những mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang).
Thời gian qua, Kiên Lương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đưa ngành tôm công nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng hiện hữu.
Thủ phủ nuôi tôm công nghiệp
Kiên Lương được xem là thủ phủ của ngành tôm công nghiệp của tỉnh Kiên Giang. Tôm công nghiệp của huyện chiếm 60,7% diện tích và 66% sản lượng tôm công nghiệp của cả tỉnh. Thời gian qua, tình hình nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện phát triển khá nhanh và đạt hiệu quả khá cao.
Đến cuối năm 2023, diện tích nuôi tôm công nghiệp toàn huyện đạt 2.800ha với 120 hộ nuôi và 4 doanh nghiệp, tổng sản lượng đạt 28.892 tấn.
Diện tích nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 884ha, với 65 hộ và 4 doanh nghiệp nuôi, năng suất bình quân 20 – 25 tấn/ha/vụ, sản lượng 15.600 tấn, đóng góp khoảng 54% trong tổng sản lượng tôm nuôi công nghiệp, bán công nghiệp của huyện năm 2023.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và hộ dân trong sản xuất, từ năm 2017 đến nay, huyện quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành tôm.
Cụ thể, Kiên Lương nạo vét 29 tuyến kênh để cung cấp nước cho nuôi trồng thủy sản với chiều dài 37,5km; gia cố 2 tuyến bờ bao với chiều dài 110,34km; sửa chữa 17 cống, 2 tuyến đê bao; đầu tư khoảng 22 tỷ đồng cho 54,77km đường dây điện trung thế và 12,32km đường dây hạ thế phục vụ nuôi tôm công nghiệp; đảm bảo cung cấp đủ sản lượng điện cho nuôi trồng thủy sản và công nghiệp chế biến thủy sản.
Nông dân xã Dương Hòa (Kiên Lương) ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm công nghiệp giúp mang lại giá trị kinh tế cao.
Huyện phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, sở, ngành liên quan hoàn chỉnh hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Bình Trị.
Phòng Kinh tế huyện phối hợp ngành chức năng tỉnh tổ chức hội thảo, tập huấn, xây dựng đề tài, dự án, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả về nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Từ đó, các hộ nuôi tôm cơ bản nắm vững quy trình kỹ thuật, mạnh dạn ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và hiệu quả ngày càng được nâng lên.
Chị Lâm Ngọc Tuyết – chủ trang trại nuôi tôm công nghệ cao Khuyến Chi, xã Bình An (Kiên Lương) cho biết: “Trang trại có quy mô sản xuất 12ha, với 14 ao nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao 2 -3 giai đoạn. Sản lượng tôm mỗi năm đạt 200 tấn.
Mô hình nuôi tôm công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, doanh nghiệp, hộ nuôi tôm thu hàng chục tỷ đồng/vụ nuôi.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, để nghề này phát triển, doanh nghiệp, hộ nuôi tôm công nghiệp rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của địa phương trong việc tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng, cũng như hoàn thiện hạ tầng tại vùng nuôi, hạn chế rủi ro dịch bệnh”.
Giải pháp nuôi tôm bền vững
Thực tế cho thấy nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Kiên Lương có phát triển nhưng chưa tương xứng tiềm năng của địa phương.
Tốc độ mở rộng diện tích nuôi theo kế hoạch còn chậm, diện tích được giao cho các doanh nghiệp chưa được khai thác hết công suất thiết kế; nguồn lực tài chính của một số doanh nghiệp chưa đủ mạnh để phát triển sản xuất.
Hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghiệp chưa được đầu tư đúng mức và chưa có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất hiệu quả. Mặt khác, tình hình dịch bệnh trên tôm ngày càng phức tạp, diễn ra quanh năm, nhất là nuôi công nghiệp.
Giá cả vật tư, thức ăn, thuốc, giống thủy sản ngày càng tăng, trong khi giá tôm thương phẩm ở mức thấp và kéo dài trong nhiều năm trở lại đây. Từ đó, việc duy trì mô hình nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện gặp nhiều khó khăn.
Theo Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương Nguyễn Hữu Thành, để đạt hiệu quả cao và bền vững trong phát triển nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp, nhất là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thời gian tới huyện đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện, thủy lợi, xây dựng các vùng nuôi tập trung, hệ thống cấp thoát nước riêng biệt cho các vùng nuôi.
Huyện đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, khuyến khích người dân mạnh dạn ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nhất là các mô hình thân thiện với môi trường, an toàn sinh học.
Tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các tổ sản xuất như cụm nuôi tôm siêu thâm canh, củng cố, kiện toàn, nâng chất hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác theo hướng sản xuất tập trung để trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau trong sản xuất, tránh sản xuất theo hướng riêng lẻ, manh mún, kém hiệu quả.
Kiên Lương tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi được tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng để đầu tư và tái đầu tư phát triển nghề nuôi tôm công nghiệp; đồng thời, vận động, khuyến khích các nhà sản xuất, cung ứng thức ăn, thuốc thú y thủy sản đầu tư trực tiếp cho hộ nuôi…