Cách đây hơn chục năm, ông Nam đã nổi tiếng trên cả nước vì ông đã đề nghị tặng UBND thành phố Hà Nội 1.000 cây tre Việt đã uốn thành hình rồng “long giáng” nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Sự tâm huyết của ông với đại lễ đã được UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen. Không dừng lại ở đó, ông còn sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật để đời từ việc uốn tre.
Niềm đam mê cháy bỏng với cây tre Việt Nam
Trong ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong xóm Yên Nhân, ông Nam đã ươm rất nhiều gốc tre. Đám thành bụi, đám đứng một mình, nhiều cây đã uốn thành hình hài với cái tên mĩ miều như Song long chầu nguyệt, Tứ long hợp nhất, Nhất long giáng thế… Từ gốc tre hồn hậu qua đôi bàn tay của ông đã trở nên có hồn, có hình hài rõ nét.
Ông Nam là người có đam mê cháy bỏng với cây tre Việt Nam. Ông đã dày công ươm và uốn tre thành những tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: Thuần Việt.
Năm nay đã bước sang tuổi 70, nhưng nom ông Nam còn khỏe lắm. Giọng nói ông rổn rảng khi nhắc đến vườn nghệ thuật từ tre của mình.
Ông bước đi thoăn thoắt ngoài vườn, miệng nói, tay làm. Xung quanh nhà ông ươm đủ các loại tre, từ nhỏ đến to.
Ông Nam bảo: “Cây tre Việt Nam đã gắn bó với tôi từ tấm bé. Giờ đây tôi đang ấp ủ làm nhiều tác phẩm để đời nữa từ cây tre”.
Quả như lời ông Nam nói, khu vườn rộng cả ha của ông được dành phần lớn cho việc trồng tre.
Cây lên đến đâu là ông tạo hình cho chúng thành những con vật ngộ nghĩnh và tinh xảo. Uốn tre phải uốn từ khi tre còn non, nên khi những cành bánh tẻ vừa hoàn thiện, chúng đã bị ông “ép” phát triển theo hình dáng đã định sẵn.
Cây tre Việt qua đôi bàn tay khéo léo của ông Nam đã “hóa” rồng.
Quanh khu vườn hình bóng lũy tre thân thương cứ hiện dần lên theo câu chuyện của ông Nam.
“Trước đây trong vườn nhà tôi có hàng nghìn tác phẩm được uốn từ tre. Giống tre vàng óng thành hình rồng, hình phượng… Ai đến xem cũng thích. Họ mua hết cả. Vừa rồi tôi phải ươm thêm cả nghìn phôi giống nữa”, ông Nam chia sẻ.
Lại nói đến chuyện cây tre, cái duyên đưa ông đến với việc uốn tre, tạo hình từ cây tre từ đầu những năm 1990.
Một lần ông ra ủy ban xã Yên Trị để làm thủ tục hành chính. Nhìn thấy mấy bụi tre vàng làm cảnh vứt chỏng chơ, ông đã xin chúng về trồng ở vườn nhà.
Sẵn có nghề cắt tỉa, tạo hình cây cảnh, ông thầm nghĩ, tại sao mình không cho cây tre một danh phận. Thế là ông tự tìm tòi rồi cần mẫn tạo hình cho cây tre.
Sau thời gian làm và ông nhận thấy cây tre rất dễ uốn và có thể tạo thành nhiều hình dáng khác nhau. Thế là ông đi khắp nơi sưu tầm giống tre vàng. Cứ nhà ai bán gốc tre là ông lôi về vườn nhà. Từ đây ông thỏa sức sáng tạo.
Ông Nam vốn là người khéo tay lại có niềm đam mê cháy bỏng với cây tre, nên ông đã sáng tạo ra nhiều hình dáng khác nhau. Từ bụi tre hồn hậu qua đôi bàn tay của ông chúng trở thành tác phẩm nghệ thuật. Thời gian đầu, ông uốn chơi rồi mang tặng.
Câu chuyện ông mang tặng tre cũng rất là độc đáo. Thay vì tặng những người chơi cây cảnh, ông chở tác phẩm của mình đến tặng từ Phủ Chủ tịch rồi các đại sứ quán, tổ chức UNESSCO…
Ông mang tác phẩm của mình đến đâu, họ cũng vui vẻ đón nhận. Giờ đây trong ngăn tủ của ông còn đang lưu giữ cả mấy chục cái thư cảm ơn của các đơn vị nước ngoài đóng ở Việt Nam. Ông Nam kể: “Biết tôi mang tặng tác phẩm làm từ tre, họ vui lắm. Họ lấy làm vinh dự vì được biết đến cây tre của Việt Nam”.
Từ việc trao tặng đó, ông Nam dần dần trở thành nghệ nhân nổi tiếng khắp vùng. Những người yêu cây cảnh đã về tận nhà ông khuân sạch cả nghìn tác phẩm của ông. Từ việc chỉ làm bằng niềm đam mê, cho thỏa chí sáng tạo, ông lại bỗng có cái nghề uốn tre. Giờ đây đã bước sang cái tuổi thất thập, nhưng ông vẫn cứ uốn tre để cho thỏa niềm đam mê. Ông đã thổi hồn vào tre Việt Nam.
Những tác phẩm đề đời từ cây tre Việt Nam
Ông Nam quê ở huyện Trực Ninh (Nam Định)- nơi có nghề làm cây cảnh từ mấy trăm năm về trước. Trước đây các gia đình làm cây cảnh để chơi trong vườn nhà, chứ chưa thành phong trào như hiện nay.
Ông Nam làm đủ thứ nghề từ xây dựng, buôn bán nông lâm thổ sản… Ông từng lang bạt khắp các vùng, tha phương cầu thực kiếm cái ăn.
Đầu những năm 1980, ông lại lên xứ Mường lập nghiệp. Sống ở miệt rừng, ông lại có sở thích sưu tầm cây cảnh.
Ông cũng kết nối được nhiều đại gia cây cảnh ở Thủ đô để bán hàng. Từ đây, ông bắt đầu trở lại cái nghề của các cụ nơi quê nhà. Suốt mấy chục năm sống ở xứ Mường ông cũng hoàn thành được nhiều tác phẩm để đời.
Ông Nam kể, ngày đó cây sanh được nhiều người yêu chuộng với dáng vẻ cổ thụ và xanh mướt quanh năm.
Ông càng có điều kiện để sáng tạo. Nhằm tưởng nhớ tới công ơn của Bác Hồ – vị lãnh tụ cả dân tộc yêu mến ông đã dùng cây xanh để tạo thành tác phẩm với 4 chữ: Bác Hồ Vĩ Đại.
Sau 3 năm ông đã hoàn thành tác phẩm của mình. Khi đó, ông biết Thủ tướng Võ Văn Kiệt thích cây cảnh nên ông về Hà Nội để tìm đến Văn phòng Chính phủ.
Sau hai ngày ông ở Hà Nội, ông không tìm cách nào vào được Văn Phòng Chính Phủ. Ông đạp xe lang thang trên phố, vô tình ông đi qua Trung tâm kiến trúc phong cảnh Việt Nam.
Sau cuộc trò chuyện ông đưa ảnh cây cho bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm xem. Bà Thủy đã rất kết những tác phẩm của ông.
Sau khi mua cây, bà Thủy còn hứa giúp ông liên lạc với Văn Phòng Chính Phủ để tặng cây. Sau 3 năm ông lại hoàn thành một cây khác và tặng Văn Phòng Chính Phủ. Ông được Văn Phòng Chính Phủ gửi thư cảm ơn.
Từ thành công đó ông trồng, chăm sóc và uốn tỉa cây chữ “ASEAN” tặng các đại sứ quán các nước Asean. Không như lần trước, ông đến thẳng các đại sứ quán trình thư của Văn Phòng Chính Phủ với mục đích tặng cây. Biết ông tặng cây là mục đích tôn vinh nghệ thuật cây cảnh nên các đại sứ trọng thị. Đến nay, ngoài tặng cây đại sứ quán các nước Asean ông còn tặng 12 cây tre ngà với bản đồ thế giới và thế Long Giáng cho 12 đại sứ quán các nước khác.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-nguoi-o-hoa-binh-trong-tre-la-liet-tren-doi-tung-tang-ha-noi-1000-cay-tre-uon-the-long-giang-20240527134433629.htm