Nhà tôi ở bên mé sông La Ngà. Nơi đây, mọi người tính năm theo 2 mùa, mùa nước nổi và mùa nước cạn. Mùa nào thì thức ấy, đoạn sông ngắn nhưng đã cưu mang biết bao nhiêu phận người nổi trôi, đeo bám lấy con nước làm kế sinh nhai.
Tôi là dân xứ khác, theo chồng về làm dâu đất này. Chính trong những phiên chợ quê mùa nào cũng đầy ắp sản vật sông nước, tôi như được đi học một môn mới. Cá gì mùa nào, cá này nấu món gì, sơ chế như thế nào, rồi cá nào quết chả, cá nào phơi khô, cá nào làm mắm… Dần dà tôi cũng trở thành dân sông nước lúc nào chẳng hay.
Tầm này, khúc sông quê tôi đã hứng những cơn mưa đầu mùa. Lòng sông ăm ắp nước đón chờ mùa mới, mùa nước nổi, mùa của bông điên điển, bông so đũa, bông súng, khèo nèo, rau nhút; mùa của cá linh, cá mè vinh, cá vồ đém, cá hồng, cá rô… Biết bao nhiêu là sản vật ăm ắp trên chiếc vỏ lãi của người dân quê.
Nhưng vì “ở nhà tránh dịch” suốt 2 tháng, tôi không còn được chạy ra mé bờ sông để ngó nghiêng nữa. Chỉ biết mùa nước nổi đã đến qua những con cá hồng sông đỏ au, cá vồ đém béo tròn hay mớ cá linh lộn xộn mà chị cùng xóm có chồng đi lưới cá về rồi gửi cho, bán mua bằng hình thức treo trước cổng nhà.
Món ngon mùa nước nổi
Cá mùa này thường rất ngọt và béo, đem chưng tương hột rồi gỡ thịt cuốn bánh tráng với mớ rau thơm thì ăn bao nhiêu cũng không biết ngán. Hay đi pha một nồi nước lẩu chua cay, rồi tha hồ mà nhúng các loại rau đồng sông nước.
“Ăn bông mà điên điển
Nghiêng mình nhớ đất quê
Chồng xa em khó mà về
Hò ơ, ơi hò! Chồng xa em khó mà về…” –
(Bài hát “Bông điên điển” – nhạc sĩ Hà Phương).
Tự dưng nghe mà cay xè khóe mắt!
Ở ven bờ nước, điên điển thường mọc thành từng rặng dày, mùa này thì bông nở vàng rực rỡ. Bông điên điển đem tuốt bỏ cọng, rồi thêm vài lá ngò gai, vài nhành ngò ôm, đem nấu canh chua với cá vồ đém. Canh chua của miền sông nước phải nấu từ nước dừa, để thấy vị ngọt lành lẫn trong vị me chua, có thêm thì thêm tỏi phi vàng cho nồi canh dậy mùi thơm nức.
Mùa nước năm nay tuy buồn vì tình hình chung của dịch bệnh nhưng sông nước thì lúc nào cũng rộng lòng mà cưu mang những phận đời. Mong rằng dịch bệnh mau sớm qua đi để những ghe cá của người dân được lên bờ, được ghé chợ và được theo xe hàng đi đến khắp mọi miền.
Món canh chua bông điên điển
CANH CHUA BÔNG ĐIÊN ĐIỂN NẤU CÁ VỒ ĐÉM
Nguyên liệu:
– Cá vồ đém: 500 gr (có thể thay bằng cá hú, cá basa…)
– Bông điên điển: 500gr
– Ngò gai, ngò ôm.
– Me.
– Nước dừa tươi.
– Gia vị: muối, nước mắm, đường phèn, tỏi, ớt…
Cá vồ đém có thể thay bằng cá hú, cá basa
Cách làm:
1. Sơ chế:
– Cá vồ đém: dội nước sôi lên mình cá rồi cạo bỏ phần nhớt, lại xát lên mình cá hỗn hợp chanh và muối. Rửa sạch lại cá, moi ruột và cắt khúc.
– Bông điên điển tuốt bỏ cọng.
Tỏi băm nhỏ phi thơm cho vào nồi canh chua
2. Chế biến:
– Dầm me vào nước nóng, để 10 phút rồi dùng tay bóp nhẹ và lọc lấy nước cốt me.
– Tỏi băm nhỏ và phi thơm, vớt phần tỏi phi để riêng ra chén.
– Cho dầu tỏi, nước cốt me, nước dừa và thêm nước lọc (tùy chỉnh cho đủ khẩu phần) vào nồi rồi đun sôi.
– Nêm nếm lại nồi nước canh ở trên với nước mắm, đường phèn, muối sao cho vị chua, ngọt, mặn hài hòa. Thông thường các món canh chua của miền Tây thì nêm nhiều đường, như nồi canh hôm nay mình cho đến 4 muỗng canh đường phèn.
– Nhúng cá, bông điên điển, ngò gai và ngò ôm cắt nhỏ vào nồi canh sôi. Ăn đến đâu thì nhúng đến đó, tương tự như ăn lẩu sẽ rất ngon. Hoặc nấu canh nóng và ăn liền, vì cá Vồ Đém khi nguội sẽ có mùi tanh.
– Canh chua ăn kèm cơm hay bún tươi, chấm nước mắm cay.
Nguồn: https://nld.com.vn/diem-den-hap-dan/mot-mua-nuoc-buon-20211001223041568.htm