Để hiểu rõ hơn về chất lượng, cũng như quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, chúng tôi đã có cuộc trò truyện với ông Lê Bá Thành – Phó Giám đốc sở NNPTNN tỉnh Bắc Giang xung quanh vấn đề này.
Bắc Giang đã có sản phẩm vải thiều đạt chuẩn OCOP 5 sao, nhân dịp này xin ông có thể chia sẻ về kết quả triển khai chương trình OCOP và bí quyết để Bắc Giang tự tin đưa quả vải thiểu vào đánh giá OCOP cấp quốc gia?
– Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những chương trình trọng tâm đang được tỉnh Bắc Giang triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Ðây cũng là giải pháp được Bắc Giang gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo hướng hiệu quả, thiết thực và bền vững…
Những năm qua, việc triển khai chương trình OCOP ở Bắc Giang đã góp phần tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho bà con nông dân.
Từ những yếu tố đó, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các cơ quan, bộ, ban ngành xây dựng chính sách về phát triển OCOP, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, chủ thể tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP và đến nay toàn tỉnh đã có 290 sản phẩm đạt chất lượng OCOP.
Đặc biệt, Bắc Giang là địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất cả nước, chất lượng quả vải thiều Bắc Giang luôn ổn định và cũng đã có thương hiệu trên thị trường và có mặt trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Như vụ vải năm nay, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, sản lượng giảm nhưng do chất lượng ngày càng được nâng cao nên tổng doanh thu từ quả vải không giảm mà còn cao hơn năm 2023. Đến giờ, chúng tôi có thể khẳng định quả vải thiều Bắc Giang đã mang lại hiệu quả kinh tế rất trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang.
Đặc biệt sản phẩm vải thiều tươi được đóng với trọng lượng 1kg của HTX sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn, Bắc Giang), đây là sản phẩm vải thiều lâu đời, sản xuất theo quy trình chuẩn VietGAP, GlobalGAP đáp ứng được tiêu chuẩn cả thị trường trong nước và quốc tế. Với chất lượng sản phẩm như vậy chúng tôi tự tin có thể khẳng định sản phẩm vải tươi Bắc Giang đáp ứng thoả mãn yêu cầu của Hội đồng đánh giá, xếp hạng OCOP cấp Quốc gia.
Ông đánh giá như thế nào về cơ hội, hiệu quả kinh tế khi quả vải thiều Bắc Giang đạt OCOP 5 sao?
– Như Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam đã từng phát biểu, OCOP không chỉ khẳng định chất lượng tại thị trường trong nước mà khi được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao thì sản phẩm sẽ có cơ hội mở ra thị trường thế giới. Đặc biệt, vừa qua thị trường Mỹ cũng đã chấp nhận chất lượng sản phẩm OCOP của chúng ta. Như vậy đây là cơ hội rất lớn để tạo “danh tiếng” cho quả vải thiều Bắc Giang trên trường quốc tế.
Lần đầu tiên tỉnh Bắc Giang có sản phẩm đạt OCOP 5 sao, đây là tin vui cho tỉnh và cũng là cơ hội rất lớn để vải thiều Bắc Giang có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tiếp tục thúc đẩy phát triển sản phẩm và chế biến sâu.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư để tạo ra những sản phẩm có giá trị, chất lượng hơn nữa. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thực phẩm, đồ uống… mà còn ở những lĩnh vực khác nữa như kết hợp giữa sản phẩm OCOP với du lịch để làm sao tạo ra mục tiêu giá trị đa dụng của lĩnh vực nông nghiệp, tiết kiệm cho việc sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường cũng như mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ HTX Hồng Xuân mở rộng diện tích và tổ chức các tổ hợp tác liên kết, có nhiều sản phẩm vải thiều chất lượng hơn để phát triển thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ người dân thu hoạch, bán sản phẩm OCOP 5 sao.
Năm nay, thời tiết rất khắc nghiệt, ảnh hưởng đến sản lượng của cây vải. Tuy nhiên do chất lượng quả vải được nâng lên vì vậy giá trị của quả vải cao hơn mọi năm và tổng doanh thu từ vải thiều không giảm mà thậm chí còn cao hơn năm 2023. Điều này cho thấy cho thấy chúng ta cần nghiên cứu để nâng cao chất lượng của vải thiều.
Không chỉ nâng cao tổng sản lượng sản phẩm nông nghiệp mà chúng ta cần tập trung nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc xây dựng liên kết, mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu như thiết lập mã vùng, cơ sở đóng gói đến công tác đưa ra những chính sách của địa phương nhằm thúc đẩy cho sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Từ đó giúp cho việc tiêu thụ nông sản bền vững, chứ không vì mục đích sản xuất nông nghiệp để rồi khai thác cạn kiệt tài nguyên đất, nước cũng như sử dụng quá mức phân bón ảnh hưởng đến đất đai, môi trường,… Đó chính là con đường tỉnh Bắc Giang xác định trong thời gian tới.
Từ những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Bắc Giang có định hướng phát triển sản phẩm OCOP như thế nào thưa ông?
– Từ hiệu quả thực hiện chương trình OCOP mang lại, hàng năm các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đều tăng thêm kể cả về số lượng và chất lượng cũng như mở rộng thị trường, mang hiệu quả kinh tế cao, khắc chế được việc sản xuất nhỏ lẻ trước đây.
Thông qua các HTX, doanh nghiệp, chủ thể công tác tổ chức sản xuất chế biến được đầu tư bài bản, quy mô, tạo ra các chuỗi liên kết sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao. Tỉnh Bắc Giang cũng sẽ tập trung xây dựng kế hoạch dài hạn và xây dựng chính sách để làm sao phát triển sản phẩm OCOP với chất lượng cao, đi vào chiều sâu trong thời gian tới.
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang cũng đã có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Đặc biệt, đối với chương trình OCOP, tỉnh Bắc Giang có riêng một chính sách hỗ trợ, động viên rất thiết thực và kịp thời. Đó là, với mỗi sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao, tỉnh sẽ thưởng 50 triệu đồng; sản phẩm đạt 4 sao, thưởng 150 triệu đồng và đạt 5 sao, thưởng 300 triệu đồng, từ đó đã khuyến kích, tạo điều kiện cho các chủ thể chủ động sử dụng kinh phí để tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm để có nhiều hơn nữa các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Bởi, suy cho cùng, nâng cao chất lượng cho sản phẩm là con đường sản xuất bền vững, mang lại thu nhập tốt hơn cho người dân.
Nguồn: https://danviet.vn/dac-san-noi-tieng-bac-giang-mot-loai-qua-dang-lam-mua-lam-gio-dat-ocop-5-sao-do-la-qua-gi-20240626114531528.htm