Trên cung đường 15A đi qua xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh , hai bên đường bạt ngàn những mảnh vườn dó trầm tươi mát, hút mắt với thân cây thẳng, tít tắp nối liền với những cánh rừng xanh.
Thiên nhiên ưu đãi cho Phúc Trạch một khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt để phát triển cây dó trầm. Theo người dân địa phương, cũng như cây bưởi, cây dó trầm trồng ở vùng đất Phúc Trạch sẽ phát triển tốt, trầm hương trong cây rất nhiều và thơm nhưng khi trồng tại các địa phương lân cận chất lượng lại không được như vậy. Năm 2020, Hội trầm hương Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng cây dó trầm tại xã Phúc Trạch xác định chất lượng cây và các sản phẩm trầm hương trên đất Hương Khê, đặc biệt là tại xã Phúc Trạch có chất lượng rất cao, “thuộc tốp đầu thế giới”.
Vườn cây dó trầm trị giá hàng tỷ đồng của ông Nguyễn Văn Phương ở xã Phúc Trạch.
Được biết, trầm hương được tạo nên từ cây dó. Khi thân cây dó bị thương, nó tự tiết ra một chất nhựa để chữa lành vết thương đó. Năm này qua năm khác chất nhựa đó dần dần hình thành nên một loại gỗ mang tên trầm hương, có mùi thơm nhẹ… Để hình thành trầm hương trong cây dó tự nhiên thì sẽ rất hiếm và thời gian dài, tầm khoảng 10 năm mới có có trầm hương thu hoạch. Do đó, người dân đã tìm cách tạo ra nhiều vết thương trên thân cây dó để cây có phản xạ tạo trầm như đục lỗ, kích thích sinh học, cắt tỉa một phần thân cây.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Hương Khê có 682,5ha diện tích cây dó trầm, trong đó tập trung chủ yếu tại xã Phúc Trạch với diện tích 350 ha. Người trồng trầm có thể thu hoạch bán nguyên cây hoặc chế tác thành nhiều sản phẩm như đồ thủ công mỹ nghệ, trầm nụ, trầm cảnh, hương trầm… Với giá trị kinh tế cao, dó trầm giúp người dân Phúc Trạch, Hương Khê, đổi đời, nhiều gia đình xây được nhà cửa khang trang, mua ô tô, xe máy…. Thông tin từ UBND xã Phúc Trạch cho biết, thu nhập từ cây dó trầm của xã năm 2023 đạt 95 tỷ đồng. Cây dó trầm được xác định là loại cây làm giàu cho người dân miền sơn cước này.
Ông Nguyễn Văn Phương là một trong những hộ dân có nhiều cây dó trầm lâu năm của xóm 8, xã Phúc Trạch. Ông có hơn 1ha vườn trầm, với khoảng 400 cây trên 20 năm tuổi. Trong vườn trầm ông Phương, có rất nhiều trầm hương được hình thành tự nhiên. Bước vào khu vườn dó trầm mát rượi, rêu xanh phủ đầy mặt đất, hương trầm dịu nhẹ trong gió. Ông Phương chỉ vào những vết sâu ăn trên thân cây, tiết ra những dòng nhựa và hạt gỗ nhỏ: “Cây này là trầm hương tự nhiên, thương lái trả 50 triệu đồng, tôi chưa bán”. Trước đây, ông Phương bán một vườn cây hơn 1 tỷ đồng, có cây trầm tự nhiên lâu năm giá 170 triệu. Ông dùng số tiền đó để làm nhà ở và dưỡng già. Mới đây, có thương lái đến mua cả vườn 400 cây, trả trung bình mỗi cây 10 triệu nhưng ông Phương không bán. Nhu cầu tiêu dùng cá nhân không nhiều, ông chỉ muốn giữ vườn trầm cho đẹp sau này để lại cho con cháu.
Hai bên đường ở xã Phúc Trạch bạt ngàn cây dó trầm.
Hiện nay, tại xã Phúc Trạch đã thành lập được làng nghề chế tác trầm hương với 50 hộ dân tham gia. Từ cây dó trầm được thu mua về, thợ thủ công thực hiện các công đoạn đục vỏ cây và làm sạch để chọn ra phần trầm làm nguyên liệu chính.
Sau đó, phần trầm được phơi khô, tạo ra các sản phẩm khác nhau. Đặc biệt đối với các mặt hàng mỹ nghệ, chế tác từ trầm được bán với giá rất cao. Còn cây trầm cảnh được chế tác từ dó trầm rẻ nhất cũng 10 triệu đồng, cây cao lớn, thế đẹp, nhiều dó có giá 50 – 100 triệu đồng, cây “gia bảo” có giá lên tới nửa tỷ đồng.
Chị Võ Thị Nga, chủ cơ sở chế tác trầm hương Thọ Nga tại xã Phúc Trạch chia sẻ: “Giá trị cây dó trầm tùy thuộc vào đó là cây trầm tự nhiên hay trầm tự tạo. Trầm được hình thành tự nhiên sẽ có giá cao hơn. Cùng năm tuổi và kích thước nhưng có cây giá tầm 5 đến 10 triệu nhưng cũng có cây lên đến hàng trăm triệu đồng, tùy vào lượng trầm trong từng cây”.
Trước giá trị kinh tế cao từ cây dó trầm, hầu như 100% người dân xã Phúc Trạch đều đổ xô trồng trầm. Không chỉ các diện tích trong vườn nhà, các diện tích rừng, đồi cũng được bà con đổi từ các loại cây lấy gỗ lâu năm sang trồng dó trầm. Thậm chí, nhiều người dân còn phá bỏ những diện tích trồng cam, bưởi là những loại cây đặc sản Phúc Trạch để trồng loại cây có giá trị kinh tế này. Trước thực trạng người dân trồng dó trầm đồng loạt, chính quyền địa phương cũng đã có chỉ đạo, khuyến khích bà con phát triển bền vững lâu dài, vừa phát triển cây dó trầm, vừa phải duy trì ổn định diện tích, cam, bưởi Phúc Trạch.
Bà Phạm Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết: “Nhiều năm nay, dó trầm được xác định là cây mang lại giá trị phát triển kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ dó trầm chưa ổn định, giá cả còn phụ thuộc lớn vào các thương lái, mức sản xuất và tiêu thụ còn nhỏ lẻ, chưa lớn; chưa có doanh nghiệp lớn tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ. Hiện nay, xã đang xây dựng kế hoạch phát triển cây dó trầm từ việc quy hoạch, đào tạo nhân lực đến liên kết thị trường tiêu thụ để dó trầm mang lại lợi ích kinh tế cao và bền vững”.