Hồn quê
Bán đảo Thanh Đa tách biệt với trung tâm thành phố bằng cây cầu Kinh bắc qua sông Sài Gòn. Bên này là bán đảo, với nhịp sống chậm rãi của những con người hiền hòa còn mang đậm nét thôn quê.
Hẻm 480 thưa nhà, vài ba tiệm tạp hóa cách nhau không mấy xa, bày bán đủ thứ hàng vặt mà tuyệt nhiên chốn phố thị không có. Những giỏ trứng còn vương bùn đất, rơm rạ; những sạp bày đủ loại trái: chuối, ổi, na, xoài, đu đủ… vỏ xù xì, không nhẵn như trái cây ở phố; mấy xe chuối chiên, khoai chiên không ngại rao: “Mua đi, bán rẻ. Chuối chín quá sắp hư rồi…”.
Nồi bánh ít của bà Hai Nhỏ bên lề đường sôi sùng sục, mê hoặc khứu giác của chúng tôi. Bánh ít được nấu bằng bếp củi. Bà Hai Nhỏ ngồi cạnh gói những chiếc bánh mới, đoạn lại thêm củi vào bếp.Bàn tay nhăn nheo nhuốm màu thời gian của bà chậm rãi lau từng miếng lá chuối. Thấy chúng tôi chụp hình, bà ngước lên để lộ nụ cười móm mém, không còn chiếc răng nào.
Bà Hai gói cho chúng tôi 5 chiếc bánh ít, 3 nhân đậu, 2 nhân dừa – mẻ bánh vừa được gắp ra khỏi nồi, nóng bỏng tay. Bà bảo chúng tôi ăn thử, xem có ngon như bánh bên kia phố hay không.
Lần theo bảng chỉ dẫn được treo cách đoạn bên đường, chúng tôi đi vào tâm bán đảo. Một triền đê tách đầm sen và rặng dừa nước làm đôi, làm lối đi vừa đủ cho một chiếc xe máy. Những cánh đồng bạt ngàn lúa, sen, rau muống, dừa nước, cây dại… đan xen, không được sắp xếp theo một quy tắc nhất định nào. Ấy thế, chúng lại tạo nên nét đặc biệt mang phong vị hồn quê.
Các khu đất ở bán đảo gần như không rào, chỉ có những hàng cây xén thấp phân định vườn nọ với vườn kia như một ý nghĩa tượng trưng. Nhiều khu vườn xanh mướt cỏ dại, có vài ba cây ổi tự lớn, trĩu quả chẳng ai hái… Người ta nói, chủ của các khu đất này đã rời bán đảo, qua bên kia cầu Kinh để hội nhập với nhịp sống sôi động vốn có của TP.HCM.
Bà Hai Nhỏ, nức tiếng bánh ít ở bán đảo.
Tiếng “cạp cạp” của đàn vịt cỏ vừa ngoi lên khỏi ruộng rau muống mới được thu hoạch cắt ngang những suy nghĩ mơ hồ của chúng tôi. Vừa rũ cánh, lũ vịt vừa nhốn nháo tìm lối lên bờ sau tiếng thúc giục của người đi chăn.
…thân thương
Ông là Nguyễn Văn Tư, 58 tuổi, người trong làng vẫn quen gọi ông với cái tên thân thương là ông Tư Vịt. Ông sinh ra và lớn lên ở bán đảo, bán đảo cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của ba mẹ ông. Ngoảnh lại, đã 4 thế hệ gia đình ông sinh ra và trưởng thành từ mảnh đất này.
Đàn vịt cỏ của ông Tư hơn 200 con, mỗi ngày cho khoảng 180 trứng, đủ để ông bỏ sỉ cho mấy tiệm tạp hóa đầu hẻm. Vịt già ông bán thịt, rồi lại mua thêm mấy lứa vịt con khác về thay thế. Nghề nuôi vịt coi túc tắc là vậy, nhưng lại là kế sinh nhai nuôi 3 đứa con ông hết đại học.
Một gia đình hun khói thổi cơm chiều, một đôi vợ chồng câu cá làm bữa tối cho gia đình.
“Nhà chỉ có vách tôn mái lá thôi. Nuôi vịt thì gọi là có đồng ra đồng vào, tiết kiệm thì vẫn đủ cho tụi nhỏ đi học. Dù chỗ đây không phát triển nhưng vẫn là trung tâm thành phố, mấy đứa nhà tui xưa giờ đi học không phải ở trọ mướn, vẫn được ăn cơm nhà mỗi ngày”, chỉ căn nhà lụp xụp bên bờ ao, gương mặt ông Tư Vịt toát lên vẻ tự hào.
3 người con của ông Tư sau tốt nghiệp đại học, chỉ mỗi Hai Dũng (con trưởng) vẫn ở lại bán đảo, lấy vợ và sinh con. Vợ chồng anh đều làm nhân viên văn phòng ở quận Bình Thạnh, thỉnh thoảng lại được bạn bè, đồng nghiệp gọi đùa là đại gia Sài Gòn. Ừ, thì đúng là đại gia thật. Đất của ông Tư Vịt để cho anh hơn 300m2 ở bán đảo, đâu ít, chẳng qua chưa đến thời đó thôi!
Cạnh nhà ông Tư Vịt là bãi đất trống, có mấy con bò đang nhởn nhơ gặm cỏ, ngay sau không mấy xa là tòa Landmark 81 – tòa nhà cao nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Bao đời nay, mặc kệ cạnh bên là phố phường xô bồ sầm uất, bán đảo Thanh Đa vẫn chậm rãi duy trì nét riêng, nét trầm mặc của làng quê Nam Bộ trước những năm 80 của thế kỷ trước.
Toà nhà cao nhất Việt Nam cách bán đảo chỉ khoảng 1km theo đường chim bay.
Đám trẻ 7 đứa, đứa lớn nhất độ lớp 6, ôm trái bóng đi tới bãi đất mà đàn bò đang gặm cỏ. Lấy 4 chiếc dép làm 2 khung thành, những cầu thủ nhí lăn lộn trên sân, người lấm lem bùn đất. Bên kia ruộng rau muống, cô bé chừng lớp 3 xách giỏ, đứng trên bờ chờ mẹ hái rau về làm cơm tối. Thi thoảng, em lại xắn ống quần, bước xuống nhặt mấy con ốc bám gần bờ…
Phía sau, các cao ốc chọc trời lần lượt sáng đèn. Bán đảo Thanh Đa bỗng trở nên tĩnh mịch, lục bình lẳng lặng trôi.
Hơn 30 năm trước, lãnh đạo TP.HCM muốn “biến” bán đảo Thanh Đa thành khu đô thị hiện đại bậc nhất thành phố. Để hiện thực hóa giấc mơ đó, đầu năm 1992, UBND TP.HCM chính thức phê duyệt dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa với tổng diện tích khoảng 426,93ha (bao gồm toàn bộ phường 28).
Đầu năm 2004, thành phố giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, sau thời gian dài giậm chân tại chỗ, đến năm 2010, TP.HCM có quyết định thu hồi. Cuối năm 2015, Liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa với tổng số vốn khoảng 30.700 tỷ đồng.
Thế nhưng, đến hiện tại, sau hơn 3 thập kỷ được phê duyệt, “siêu dự án” Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa vẫn đang tiếp tục “treo”. Sống trên “giấc mơ” của Tập đoàn Bitexco, khoảng 4.000 hộ dân tại đây chỉ còn biết tự kiếm kế sinh nhai bằng cách đào ao thả cá, trồng lúa, nuôi gà… và chờ ngày được “giải thoát”. Nguyên do bởi dự án nằm trong khu vực đã có quyết định thu hồi đất nên việc phân lô, tách thửa, cấp phép xây dựng của người dân đều bị cấm.