Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, thời gian qua cấp ủy, chính quyền huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Nhiều mô hình dự án giảm nghèo hiệu quả
Ông Đoàn Việt Vân – Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết: “Hàng năm, UBND huyện phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, hội đoàn thể các cấp tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo bằng nhiều hình thức; tập huấn cho các đối tượng phụ trách công tác giảm nghèo ở các xã, thị trấn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời phối hợp huy động đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện”.
Giai đoạn 2022-2024, huyện Tư Nghĩa có tổng nguồn vốn Chương trình giảm nghèo là 23.646,021 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 13.107 triệu đồng, ngân sách tỉnh 1.325 triệu đồng, ngân sách huyện 655,6 triệu đồng, nguồn khác 8.558,421 triệu đồng. Tổng vốn đã giải ngân của Chương trình là 10.214,01 triệu đồng, đạt tỷ lệ 43,2%.
Từ nguồn vốn này, huyện đã triển khai 18 mô hình dự án giảm nghèo, chủ yếu hỗ trợ người dân chăn nuôi bò sinh sản, bò lấy thịt, nuôi heo móng cái sinh sản…. Để mô hình kinh tế phát triển hiệu quả, địa phương phối hợp với các ban ngành tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm giúp bà con nông dân khắc phục khó khăn trong sản xuất.
Đồng thời, hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi để nhân dân có điều kiện đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập, vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đến nay, huyện Tư Nghĩa có doanh số cho vay đạt hơn 141.325 triệu đồng, gồm 3.324 lượt khách hàng tiếp cận nguồn vốn; nâng tổng số dư nợ là 502.729 triệu đồng; tổng số khách hàng dư nợ là 9.874 khách hàng. Đối tượng thụ hưởng là người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh – sinh viên, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, hộ sản xuất kinh doanh….
Các vấn đề cơ bản nhất đối với hộ nghèo như: nhà ở, việc làm, khám chữa bệnh, học tập…; các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cũng được địa phương quan tâm, giải quyết kịp thời, đúng đối tượng, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.
Nỗ lực giảm nghèo bền vững
Ông Vân cho hay, các chính sách giảm nghèo đã tác động làm chuyển biến nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định để cải thiện đời sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổ chức sơ kết và báo cáo kết quả giảm nghèo cũng được huyện Tư Nghĩa thực hiện thường xuyên, để kịp thời có giải pháp điều chỉnh, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi xã, thị trấn.
Đến cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo trên toàn huyện là 577 hộ, chiếm tỷ lệ 1,45%, giảm 0,21% so với đầu năm 2023, đạt chỉ tiêu tỉnh giao; tổng số hộ cận nghèo là 1.392 hộ, chiếm tỷ lệ 3,49%, giảm 0,73% so với đầu năm. Theo dự kiến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,23%; hộ cận nghèo giảm còn 2,93%.
Hiện nay, huyện Tư Nghĩa có 100% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, định hướng nghề nghiệp, tìm việc làm; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về công tác giảm nghèo; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; 100% trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi, được hỗ trợ và miễn giảm học phí.
Có 99% hộ nghèo và hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 98% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet….
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Tư Nghĩa còn gặp một số khó khăn như: nguồn nhân lực thực hiện công tác giảm nghèo ở cơ sở còn hạn chế, kiêm nhiệm nhiều việc; các dự án, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 chưa được bao phủ cho tất cả đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo; việc tuyên truyền, vận động người nghèo tham gia học nghề còn nhiều trở ngại (mức hỗ trợ cho người học quá thấp, học xong khó tạo việc làm mới); chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều thủ tục, hồ sơ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện….
“Để khắc phục khó khăn trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Tư Nghĩa tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nguồn lực toàn xã hội và sự chung tay của nhân dân; triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về giảm nghèo; nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…”, ông Đoàn Việt Vân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa chia sẻ.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-huyen-cua-tinh-quang-ngai-co-nhieu-cach-lam-sang-tao-giup-nguoi-dan-cai-thien-thu-nhap-20250112111716979.htm