(Dân trí) – Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Australia mang tầm chiến lược, định hướng tương lai. Các nước ấn tượng với những số 3 mà Thủ tướng Việt Nam đề xuất.
Sáng 12/3, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, kết thúc chuyến công tác 8 ngày tới Australia và New Zealand.
Chia sẻ với báo chí sau chuyến đi, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khái quát nhiều kết quả nổi bật cũng như những đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn, các nước.
Hoạt động đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự trong chuyến công tác lần này là dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Australia. Ông đánh giá thế nào về kết quả của Hội nghị này?
– Đây là hội nghị có ý nghĩa đặc biệt vì 50 năm là “dấu mốc vàng” của quan hệ ASEAN và Australia, từ đó đề ra định hướng cho sự phát triển quan hệ trong giai đoạn mới.
Hội nghị là minh chứng cho giá trị và tầm quan trọng ngày càng tăng của ASEAN, cho thấy các đối tác ngày càng coi trọng vai trò, vị thế của ASEAN.
Nhiều kết quả quan trọng được ghi nhận sau hội nghị.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (Ảnh: Đoàn Bắc).
Thứ nhất, các nhà lãnh đạo hai bên cùng đề cao tầm quan trọng và giá trị của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đối với mỗi bên cũng như khu vực, trong đó, tin cậy chính trị ngày càng gia tăng; hợp tác thương mại, kinh tế, văn hóa – xã hội… và những lĩnh vực mới đều đang được triển khai rất năng động và hiệu quả.
Thứ hai, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trên tất cả lĩnh vực, như tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng…
Thứ ba, hai bên đề cao văn hóa đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột.
Hội nghị đã thông qua hai văn kiện quan trọng là “Tuyên bố Melbourne – Đối tác vì tương lai” và “Tuyên bố Tầm nhìn của Lãnh đạo ASEAN – Australia – Đối tác vì hòa bình và thịnh vượng”, làm cơ sở để triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Australia thời gian tới.
Tại một hội nghị đặc biệt quan trọng và mang “dấu mốc vàng” như vậy, Việt Nam đã có những đóng góp như thế nào, thưa Bộ trưởng?
– Ngay từ đầu, Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, cả trong quá trình chuẩn bị, xây dựng chương trình nghị sự và đàm phán văn kiện, cũng như tham gia, đóng góp quan trọng vào thành công chung của Hội nghị.
Đặc biệt, các phát biểu sâu sắc, toàn diện, mang tầm chiến lược của Thủ tướng Phạm Minh Chính được các nước đánh giá cao, vừa đánh giá đúng tầm mức quan hệ ASEAN – Australia 50 năm qua, vừa đề xuất tầm nhìn, định hướng tương lai và các đề xuất, sáng kiến thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới.
Các nước ấn tượng với những số 3 mà Thủ tướng Việt Nam đề xuất. Đó là ba đột phá, ba tăng cường và ba cùng cho quan hệ ASEAN – Australia thời gian tới.
Ba đột phá gồm đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; đột phá trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và hợp tác lao động; và đột phá trong hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ba tăng cường gồm tăng cường tin cậy chính trị; tăng cường hợp tác tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân.
Ba cùng gồm, cùng xây dựng một khu vực đoàn kết và tự cường; cùng thúc đẩy một khu vực tôn trọng luật pháp quốc tế và hành xử dựa trên luật lệ, và cùng xây dựng, định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm.
Sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị đã góp phần đề cao vai trò của Việt Nam trong quan hệ ASEAN – Australia, đồng thời thông qua ASEAN thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam – Australia phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Nhân dịp tham dự hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tận dụng thời gian để gặp tất cả lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN, Timor Leste, Australia, New Zealand và Tổng Thư ký ASEAN.
Các đối tác đều đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai bên trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế – thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục – đào tạo, du lịch, giao lưu nhân dân.
Chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand lần này là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị người đứng đầu Chính phủ. Chuyến thăm đã đạt những kết quả nổi bật gì, thưa ông?
– Australia và New Zealand là hai Đối tác Chiến lược của Việt Nam ở Nam Thái Bình Dương. Chuyến thăm đến hai nước đã thành công về mọi mặt, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với hai nước.
Đây cũng là các chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Australia và New Zealand trên cương vị mới và là chuyến thăm Australia và New Zealand đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam sau 7 năm.
Hai nước đã dành cho Thủ tướng, Phu nhân và đoàn Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, thân tình, chu đáo với nghi lễ cao nhất dành cho người đứng đầu Chính phủ. Chính phủ New Zealand còn dành cho Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghi lễ đặc biệt của người thổ dân Maori.
Tại Australia, điểm nổi bật nhất của chuyến thăm là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng Thủ tướng Australia Anthony Albanese công bố nâng cấp quan hệ Việt Nam – Australia lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Hai Thủ tướng đã nhất trí phối hợp chặt chẽ để thực hiện 6 phương hướng lớn, trong đó có quan hệ chính trị, ngoại giao; hợp tác kinh tế, thương mại; hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; hợp tác văn hóa, giáo dục – đào tạo…
Trong chuyến thăm, các bộ, ngành hai nước đã ký kết 13 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau. Các trường đại học hai nước cũng đã ký 9 thỏa thuận hợp tác.
Tại New Zealand, Thủ tướng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Christopher Luxon và gặp một số lãnh đạo cấp cao New Zealand.
Qua chuyến thăm, hai bên tăng cường sự tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, giáo dục; mở ra cơ hội hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số…
Hai bên cũng thống nhất phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 2 tỷ USD trong năm nay và nghiên cứu các biện pháp nhằm đưa đầu tư hai chiều đạt 500 triệu USD vào năm 2030.
Nhân dịp này, các bộ, ngành hai bên đã ký kết ba văn kiện hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, kinh tế – thương mại và tài chính.
Đây là cơ sở và tiền đề để các bộ, ngành hai nước cụ thể hóa các hợp tác một cách hiệu quả trong những năm tiếp theo, góp phần đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – New Zealand phát triển ổn định, bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Dantri.com.vn