Ông là nhà sử học nổi danh với nhiều đầu sách có giá trị như: Chiến khu ở miền Đông Nam bộ, Cuộc kháng chiến 1945 – 1975 nhìn từ Nam bộ, Chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược ở miền Đông Nam bộ, Báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam; chủ biên: Lịch sử Bộ Chỉ huy Miền, Dinh Độc Lập lịch sử và biến động… và viết chung với các tác giả khác: Lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định kháng chiến, Lịch sử Quân giải phóng miền Nam Việt Nam… Mới đây, cuốn sách Nhân chứng và lịch sử (ảnh, NXB Quân đội Nhân dân ấn hành, thuộc chương trình Nhà nước đặt hàng nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân VN) của PGS-TS Hồ Sơn Đài vừa ra mắt bạn đọc.
Dọc đường tìm sử liệu chiến tranh thời hiện đại, bên cạnh nguồn lưu trữ (văn bản chữ viết, hiện vật, hình ảnh…), Hồ Sơn Đài đã tiếp xúc với nhiều nhân chứng lịch sử. Rồi một ngày, ngồi xem lại sổ ghi chép, ông nhận ra mình đang sở hữu một cuốn lịch sử được thể hiện bằng mảnh đời của các nhân chứng, một “oral history” (lịch sử truyền miệng). Ông ghép nối các bài ghi chép tư liệu thành cuốn sách này theo trình tự thời gian sự kiện, với 33 bài ghi chép về 33 nhân vật lịch sử và kết lại bằng bài viết về những người bạn ở Báo Quân Đội Nhân Dân chi nhánh phía nam. Ngoại trừ bài về Tổng Bí thư Trần Phú và Tổng Bí thư Lê Duẩn (chủ yếu lấy tư liệu từ kho lưu trữ), các bài khác đều do ông trực tiếp gặp người trong cuộc, phỏng vấn và ghi chép.
Trong số hơn 30 nhân chứng lịch sử, có những nhân vật đặc biệt như Tổng Bí thư Lê Duẩn, “kiến trúc sư” của cuộc kháng chiến chống Mỹ, được nhân dân Nam bộ ví như “ngọn đèn 200 nến”. Như đại tướng Nguyễn Chí Thanh, được Trung ương Đảng cử vào chiến trường miền Nam giữ cương vị Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam, đã có những chỉ đạo chiến lược quan trọng trong xây dựng lực lượng chủ lực, xây dựng hậu cần hậu phương tại chỗ… Như đại tướng Lê Đức Anh, với nhiều cương vị khác nhau cả trong thời kỳ chiến tranh giải phóng cũng như thời kỳ bảo vệ Tổ quốc, đã có những chỉ đạo tạo nên dấu ấn đặc biệt xuất sắc…
Ngoài những nhân vật kể trên còn rất nhiều nhân chứng lịch sử là cán bộ lãnh đạo Đảng, cán bộ chỉ huy quân sự, các trí thức được tác giả dựng chân dung như Trần Văn Giàu bàn về truyền thống chống ngoại xâm của Việt Nam; Trần Phú với đường lối quân sự của Đảng; Nguyễn Văn Linh ở Sài Gòn những năm 1947 – 1948; Nguyễn Bình với cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ; Huỳnh Văn Một với các “sư đoàn dân quân cách mạng”; Phạm Văn Chiêu với căn cứ địa kháng chiến ở Gia Định; Nguyễn Văn Bứa – vị tướng của miền Đông; Võ Văn Kiệt và mười bài học đánh Mỹ ở Sài Gòn – Gia Định; Nguyễn Đức Hùng viết sử biệt động; Lê Bình: cuộc đời là bản “tình khúc miền Đông”; Phạm Thị Huệ với di sản mộc bản…
Xuôi theo dòng chảy của cuốn sách, chúng ta nhìn thấy được lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân VN trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội thời hiện đại, ở đó, mỗi con người là một mảnh ghép chói sáng; dù rằng, mảnh ghép ấy chỉ được thể hiện một phần trong cuốn Nhân chứng và lịch sử, như PGS-TS Hồ Sơn Đài viết: “Cuộc đời mỗi con người là một tổng thể hoàn chỉnh, tác giả chỉ nêu một vài khía cạnh có ý nghĩa dấu ấn lịch sử trong tổng thể ấy”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/mot-hanh-trinh-kham-pha-lich-su-qua-loi-ke-cua-cac-nhan-chung-185250105184802972.htm