Khu vực chợ Chu (thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa) là một lòng thung nhỏ nằm nép dưới chân dãy núi cao chất ngất, được hai con suối chảy vòng quanh ôm trọn.
Theo những câu chuyện mà người dân nơi đây truyền lại, năm 1870, Lường Tam Kỳ – một phó tướng trong phong trào khởi nghĩa “Thái bình Thiên quốc” của nông dân Trung Quốc – sau khi đem tàn quân vượt biên giới vào Việt Nam, đã chỉ huy quân kéo vào đánh chiếm Định Hóa, lấy đây làm sào huyệt. Khi đến Định Hóa, nhận thấy thung lũng nằm dưới chân dãy núi đá vôi có địa hình thuận lợi, những người Hoa trong đạo quân này đã chọn nơi đây làm điểm cư ngụ. Không lâu sau đó, nhiều người Kinh dưới miền xuôi chạy giặc Pháp di tản lên đến đây, thấy có thể buôn bán được nên đã tụ họp thành khu chợ nhỏ. Rồi một cách tự nhiên, họ lấy đây làm chốn dừng chân, sinh cơ lập nghiệp. Khu chợ nhỏ ấy là chợ Chu, hay còn được gọi một cách dân dã là “chợ phiêu bạt”.
Chợ Chu là nơi từng chứng kiến sự đàn áp, bóc lột cùng lúc của thực dân Pháp và tàn quân trong phong trào khởi nghĩa nông dân ở Trung Quốc (do Lường Tam Kỳ đứng đầu). Đây cũng là nơi chứng kiến sự chiến đấu anh dũng của quân và dân ta để giải phóng ách thống trị, giành chính quyền. Mặc dù chợ Chu ngày nay đã có rất nhiều thay đổi, tuy vậy cứ đến ngày phiên, dòng người từ khắp các làng xã lại đổ về họp chợ dưới bóng cây đa già…
|
Gốc đa chợ Chu từng là nơi diễn ra cuộc mít tinh của hàng ngàn người dân địa phương nhằm xóa bỏ ách thống trị của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai. |
|
Ba gian ki-ốt bán hàng được xây dựng từ thời thực dân Pháp đô hộ, nay đã được nâng cấp khang trang. |
|
Chợ Chu ngày nay có hàng nghìn mặt hàng, đáp ứng hầu hết nhu cầu của người dân huyện miền núi Định Hóa. |
|
Mỗi tháng, chợ Chu họp sáu lần vào các ngày 3, 13, 23 và 8, 18, 28 dương lịch. |
|
Người dân tộc Dao bán thuốc gia truyền đã hàng chục năm nay tại chợ Chu. |
|
Bán vải là một trong những nghề lâu đời còn được duy trì đến ngày nay. |
|
Đi chợ Chu vào ngày phiên để mua các loại bánh truyền thống đã trở thành thói quen của nhiều người dân Định Hóa. |