TPO – Cơ hội kinh doanh bằng cách sử dụng thiên nhiên làm cơ sở hạ tầng có thể đạt 160 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm vào năm 2030 và đạt được sự phục hồi sinh học hoàn toàn vào năm 2050.
Tại buổi tọa đàm “Doanh nghiệp và phát triển bền vững” vừa được tổ chức tại TPHCM, bà Bùi Thị Thu Hiền đến từ Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã dẫn lại số liệu báo cáo khảo sát của PwC năm 2022 về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam. Theo đó, yếu tố môi trường (E) chiếm 22%, xã hội (S) là 16%, quản trị (G) là 62%. Như vậy, các doanh nghiệp đã sẵn sàng cam kết vận hành và quản lý hoạt động một cách có trách nhiệm.
“Cứ 1 đồng đầu tư vào việc bảo tồn và phục hồi thiên nhiên thì sẽ thu được ít nhất 9 đồng lợi ích. Cơ hội kinh doanh bằng cách sử dụng thiên nhiên làm cơ sở hạ tầng có thể đạt 160 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm vào năm 2030 và đạt được sự phục hồi sinh học hoàn toàn vào năm 2050”, bà Hiền nói.
Hành động vì thiên nhiên từ những việc nhỏ nhất được ban lãnh đạo Khu nghỉ dưỡng Six Sences Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặc biệt coi trọng trong nhiều năm gần đây. Bà Nguyễn Minh Tâm – Tổng Giám đốc Six Sences Côn Đảo – cho biết đơn vị đã thu được nhiều “trái ngọt” nhờ các hành động thực tiễn từ chính sách phát triển bền vững của mình.
Hiện có nhiều quy định về hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, hướng tới phát triển bền vững. |
“Câu chuyện bảo vệ sinh thái cho rùa biển sinh sản trong mùa đẻ trứng đã biến Six Sences Côn Đảo trở thành điểm đến thăm rùa đẻ thú vị nhất Việt Nam. Cũng tại đây, khu nghỉ tổ chức nhiều hoạt động truyền cảm hứng cho du khách nhỏ tuổi về tình yêu và trách nhiệm với thiên nhiên”, bà Tâm nói và cho biết đến nay Six Senses Côn Đảo đã ươm tạo, chăm sóc cho 27.000 con rùa biển trước khi thả về môi trường biển (được khởi động từ năm 2018).
Tương tự, ông Lê Anh – Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP Tái chế nhựa Duy Tân – cho biết, hiện nhà máy tái chế nhựa của công ty đạt tiêu chuẩn 3 không trong quá trình sản xuất, gồm không rác thải, không khí thải và không nước thải. Năm 2023, nhà máy đã tái chế 2,3 tỷ chai nhựa, dự kiến năm nay sẽ tái chế 5 tỷ chai nhựa và hướng tới mục tiêu trở thành nhà máy tái chế có quy mô tầm cỡ thế giới.
Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), hiện các doanh nghiệp đã nắm khá rõ các quy định về kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, mới nhất là quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Có khá nhiều quy định về hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, hướng tới phát triển bền vững.
“Quan trọng nhất lúc này, các doanh nghiệp đã thực sự quan tâm và sẵn sàng hành động để phát triển bền vững chưa. Theo tôi, mỗi doanh nghiệp cần phải có cái nhìn rộng hơn, tầm nhìn dài hạn hơn, chủ động hơn nữa trong tư duy và hành động hướng tới phát triển bền vững”, ông Quân nói.
Nguồn: https://tienphong.vn/mot-dong-dau-tu-vao-bao-ton-thien-nhien-thu-duoc-9-dong-loi-ich-post1654428.tpo