Đông Nam Á đang chuẩn bị cho các mức thuế quan mới và sự thay đổi trong quan hệ với Mỹ sau khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống. Sự trở lại của “người đàn ông thuế quan” có thể mang đến rủi ro kinh tế hay những cơ hội bất ngờ cho khu vực này?
Gần như tất cả các nước Đông Nam Á, đều coi Mỹ là một trong ba thị trường xuất khẩu hàng đầu. Mức thuế quan mới mà ông Trump tuyên bố trong chiến dịch tranh cử là đề xuất đáng sợ với Đông Nam Á. Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images) |
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế quan toàn diện từ 10-20% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia – một đề xuất đáng sợ đối với Đông Nam Á – khu vực phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa tới Mỹ.
Mức thuế này cao hơn nhiều so với mức thuế từ 7,5% đến 25% mà ông áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Với Trung Quốc, ông chủ Nhà Trắng mới tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 60%.
Không chỉ là rủi ro thương mại
TS. Lê Hồng Hiệp, chuyên gia nghiên cứu của Chương trình nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á nhận định, trước đây, khu vực Đông Nam Á đã từng hợp tác với Mỹ thời ông Trump làm tổng thống. Điều đó có nghĩa là khu vực đã có sự chuẩn bị khi ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Với chiến thắng của ông Trump – người tự xưng là “người đàn ông thuế quan”, khu vực Đông Nam Á sẽ nhanh chóng thích nghi với thực tế mới và có cách bảo vệ lợi ích của mình”, theo TS. Lê Hồng Hiệp.
Trong khi đó, ông Bridget Welsh – cộng tác viên nghiên cứu danh dự của Viện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Nottingham Malaysia nói rằng, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump sẽ tác động đến các quốc gia theo những cách khác nhau.
Một số quốc gia chỉ tập trung hoàn toàn vào các khía cạnh thương mại, trong khi đó, những quốc gia khác như Philippines hay Malaysia sẽ phải đối mặt với “rủi ro an ninh”.
Dù vậy, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều xuất khẩu ròng sang nền kinh tế lớn nhất thế giới, vì vậy, họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả nhất định nếu ông Trump thực hiện áp thuế như ông đã “hứa”.
Công ty tư vấn Oxford Economics gần đây ước tính, mức thuế mà ông Trump đề xuất có thể là “cơn gió ngược”, khiến xuất khẩu từ “các nước châu Á không bao gồm Trung Quốc” giảm 3%. Các nền kinh tế nghèo hơn ở Đông Nam Á có thể giảm mạnh hơn.
Frederick Kliem, nghiên cứu viên tại trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Đại học Công nghệ Nanyan, Singapore) nhấn mạnh: “Nếu ông Trump thực hiện áp thuế, Đông Nam Á sẽ chịu thiệt hại về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thương mại tính theo tỷ trọng GDP”.
Lợi ích lớn?
Những tác động thương mại nói trên có thể được cân bằng nếu ông chủ Nhà Trắng mới tiến hành một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc lần thứ hai.
Cụ thể, một số chuyên gia cho rằng, việc vị tổng thống thứ 47 của nước Mỹ đe dọa áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể gây ra làn sóng thoái vốn của các công ty toàn cầu khỏi đất nước này. Điều tương tự đã từng xảy ra sau khi chính quyền ông Trump bắt đầu “làn sóng” áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018.
Tuy vậy, điều đáng chú ý là, một số quốc gia thuộc Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ làn sóng đầu tư tháo chạy nói trên.
Hãng tin Reuters cho biết, khu vực Đông Nam Á có khả năng sẽ hưởng lợi từ xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo hãng tin trên, các nhà phát triển khu công nghiệp của khu vực đang tuyển thêm nhân viên biết tiếng Trung Quốc. “Đây là dự báo cho thấy, ông Trump có thể sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu sau khi nhậm chức vào tháng 1/2025”, Reuters viết.
Bà Jareeporn Jarukornsakul, Tổng giám đốc điều hành của WHA Group – một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Thái Lan – tiết lộ, khi ông Trump chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống vào đầu năm nay, các cuộc gọi từ khách hàng Trung Quốc đã tràn ngập WHA Group.
“Đã có một làn sóng di dời đến Đông Nam Á và làn sóng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn so với thời điểm năm 2017-2021”, bà Jareeporn Jarukornsakul cho biết.
Nguồn: https://baoquocte.vn/hau-bau-cu-my-mot-de-xuat-cua-ong-trump-khien-dong-nam-a-run-ray-loi-ich-lon-bat-ngo-293413.html