Hà Nội đặt mục tiêu nghiên cứu, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm, đảm bảo chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ thành phố tới cơ sở.
Hà Nội kiện toàn quản lý an toàn thực phẩm: Một đầu mối từ thành phố đến cơ sở
Hà Nội đặt mục tiêu nghiên cứu, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm, đảm bảo chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ thành phố tới cơ sở.
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 352/KH-UBND về việc thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm của một cơ sở kinh doanh. |
Theo đó, kế hoạch này nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị và toàn xã hội về vai trò của an ninh, an toàn thực phẩm đối với sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế – xã hội của Hà Nội. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần nắm vững nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu của Chỉ thị 34-CT/TU.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền đối với công tác an toàn thực phẩm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng giống nòi, đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của thành phố và đất nước.
UBND TP.Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phân định rõ trách nhiệm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm. Các cơ quan, đơn vị cần xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 34-CT/TU, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị.
Bên cạnh đó, cần đưa tiêu chí về an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, thực hiện quán triệt Chỉ thị 34-CT/TU kết hợp với việc học tập các văn bản chỉ đạo của trung ương, xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch về đảm bảo an toàn thực phẩm của các địa phương, đơn vị.
Công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách về an toàn thực phẩm cũng cần được triển khai sâu rộng đến toàn dân, giúp người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm.
UBND TP.Hà Nội cũng đặt mục tiêu nghiên cứu, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm, đảm bảo chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ thành phố tới cơ sở. Kế hoạch đề ra yêu cầu tinh gọn, hiệu quả và phù hợp với các quy định của Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; chủ động phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, UBND TP.Hà Nội yêu cầu đầu tư nguồn lực cho hoạt động quản lý an toàn thực phẩm, đảm bảo đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị hiện đại cho công tác quản lý an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực phân tích, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, phát huy trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm theo nhiệm vụ được giao trên địa bàn quản lý, theo lĩnh vực phụ trách.
Bên cạnh đó, thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Kế hoạch cũng đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cần có chính sách thỏa đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Cùng với đó, UBND TP.Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hàng hóa, nhất là sản phẩm địa phương, sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ.
Cuối cùng, kế hoạch đặt ra mục tiêu 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm đều phải được cấp giấy chứng nhận. 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sẽ được kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ.
100% vụ ngộ độc thực phẩm sẽ được báo cáo, điều tra và xử lý kịp thời. Kế hoạch cũng đặt mục tiêu khống chế tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính dưới 7 người/100.000 dân/năm và xử lý kịp thời 100% thông tin phản ánh về không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Nguồn: https://baodautu.vn/ha-noi-kien-toan-quan-ly-an-toan-thuc-pham-mot-dau-moi-tu-thanh-pho-den-co-so-d231722.html