Ông Silvio Berlusconi, chính trị gia lão luyện, nhà kinh doanh tài ba, ông trùm truyền thông Italy qua đời ngày 12/6 ở tuổi 86 tại Milan, Italy. Cuộc đời ông là chuỗi dài những thăng trầm, hấp dẫn và kịch tính.
Cố Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi (1936-2023). (Nguồn: Getty Images) |
Ông Silvio Berlusconi sinh năm 1936 trong một gia đình trung lưu tại Milan. Ông tốt nghiệp loại giỏi Đại học Milan ngành Luật năm 1961, bắt đầu đế chế từ xây dựng rồi chuyển sang truyền thông, tài chính và tham gia chính trường khi đã U60.
Chính trị gia nhạy bén
Từng ba lần nắm quyền Thủ tướng với tổng thời gian chín năm (các giai đoạn 1994-1995, 2001-2006 và 2008-2011), ông Berlusconi là Thủ tướng tại vị lâu nhất của Italy từ sau Thế chiến II.
Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị từ tháng 1/1994, khi đã 58 tuổi. Tham gia chính trường khá muộn, nhưng tỷ phú Berlusconi thăng tiến nhanh đến chóng mặt. Ông được bầu làm Thủ tướng Italy ngay lần đầu tham gia tranh cử tháng 3/1994, đảng Forza Italia của ông giành được chiến thắng vang dội chỉ vài tháng sau khi thành lập. Tuy nhiên, ông đã phải từ chức sau bảy tháng do đấu đá nội bộ, cáo buộc và điều tra của giới tư pháp nhằm vào các hoạt động kinh doanh của ông.
Đến năm 2001, ông trở lại chính trường với chiến thắng trong cuộc bầu cử năm đó và trở thành Thủ tướng lần thứ hai với nhiệm kỳ kéo dài năm năm. Đến năm 2005, Thủ tướng Berlusconi phải giải tán nội các để thành lập chính phủ mới và kết thúc nhiệm kỳ một năm sau đó.
Ông tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc chay đua vào ghế Thủ tướng lần thứ ba năm 2008 nhưng lại bị mất chức vào năm 2011 khi khủng hoảng nợ ở EU và Italy lên đến đỉnh điểm. Khi đó, ông cáo buộc lãnh đạo Pháp, Đức, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng một số cường quốc và thể chế tài chính toàn cầu gây áp lực, ép ông phải từ chức do từ chối một khoản vay từ IMF. Ông cho rằng, khoản vay đó đồng nghĩa “bán nước cho IMF”.
Năm 2012, ông Berlusconi bị buộc tội gian lận thuế và tham nhũng, bị cấm tham gia chính trường và kết án tù giam. Tuy nhiên, do tuổi tác, ông được tại ngoại thực hiện một năm lao động công ích tại nhà dưỡng lão gần dinh thự xa hoa của ông ở ngoại ô Milan. Năm 2015, ông tiếp tục bị kết án vì đã hối lộ một thượng nghị sĩ liên quan đến vụ lật đổ chính phủ trung tả của Thủ tướng Romano Prodi bảy năm trước.
Bất chấp những rắc rối pháp lý của cá nhân ông và sự đi xuống của đảng Forza Italia, tỷ phú Berlusconi tiếp tục trở lại “sân khấu” chính trị sau khi lệnh cấm hoạt động được dỡ bỏ trước thềm cuộc bầu cử năm 2018. Ông đã trúng cử vào Nghị viện châu Âu ở tuổi 83 vào tháng 5/2019 và Thượng viện Italy vào năm 2020.
Chính trị gia Berlusconi có quan điểm ủng hộ các chính sách của Mỹ. Ông bất chấp dư luận và phản đối trong nước, gửi quân đội tham gia cuộc chiến tại Iraq do Mỹ phát động vào tháng 3/2003. Quan hệ giữa Italy với Israel và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nồng ấm hơn dưới thời Thủ tướng Berlusconi.
Ông là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất tại Rome muốn thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn giữa Nga và EU, thậm chí từng đề xuất Moscow gia nhập EU và khẳng định rằng “đây không phải giấc mơ quá xa vời”. Ông có mối quan hệ cá nhân nồng ấm với Tổng thống Nga Putin và hai người vẫn gặp nhau sau khi ông từ chức năm 2011.
Nhưng vị chính trị gia tỷ phú này lại thường trục trặc trong quan hệ với Pháp, Đức và các đồng minh thân cận ở châu Âu. Tháng 7/2003, ông gây sửng sốt khi phát biểu trước Nghị viện châu Âu rằng Martin Schulz, nhà lập pháp Đức giống với lính canh trong trại tập trung của Đức Quốc xã. Dù nhà lãnh đạo Italy nhắc lại rằng, ông “chỉ nói đùa”, nhưng sự so sánh quá nhạy cảm đó đã khiến quan hệ giữa Rome và Berlin trải qua thời kỳ đầy sóng gió.
Nhà kinh doanh lọc lõi
Là con trai của một nhân viên ngân hàng, ông bộc lộ năng khiếu kinh doanh rất sớm bằng cách làm bài tập về nhà cho các bạn cùng lớp rồi tính phí. Sau thời gian làm ca sĩ trên tàu du lịch, ông bắt đầu các dự án kinh doanh vào những năm 1960 với một loạt dự án bất động sản khi nền kinh tế Italy đang bùng nổ.
Đến những năm 1980, ông Berlusconi đã nổi lên như một ông trùm truyền hình. Sự kết hợp giữa các chương trình đố vui, phim Mỹ, phim hoạt hình và giải trí dành cho các bà nội trợ, kết hợp với các quảng cáo hấp dẫn với các nữ tiếp viên ăn mặc hở hang thổi làn gió mới vào làng giải trí Italy. Sự đổi mới trong cách làm truyền hình đem lại những khoản lợi nhuận kếch xù cho các công ty truyền thông của tỷ phú Berlusconi.
Ông Berlusconi cũng là một người say mê bóng đá và kiếm bộn tiền từ môn thể thao này. Ông mua câu lạc bộ AC Milan vào năm 1986 khi nó sắp phá sản và tụt hạng. Trong 31 năm dưới thời Berlusconi, số danh hiệu mà AC Milan có được nhiều hơn 80 năm trước cộng lại cùng năm Quả bóng vàng: Ruud Gullit, Marco van Basten, George Weah, Andriy Shevchenko và Kaka. AC Milan đã giành được 8 Scudetto, 1 Cúp quốc gia, 7 Siêu cúp Italy, 5 Champions League, 2 Cúp Liên lục địa, 5 Siêu cúp châu Âu và 1 Cúp thế giới các câu lạc bộ. Một thành tích mà cho đến nay chưa ông chủ câu lạc bộ nào có được.
Nhưng, đến năm 2017, khi thấy thời vàng son của AC Milan đã qua, ông liền bán cho một ông chủ Trung Quốc. Sau đó mua lại AC Monza và đưa câu lạc bộ này từ Serie C lên A chỉ trong bốn năm.
Yêu thích và có năng khiếu âm nhạc, ông Berlusconi từng là ca sĩ trên tàu du lịch khi còn trẻ. Tình yêu này vẫn luôn âm ỉ trong ông và đó là lý do ông có thể soạn mấy bản nhạc trữ tình lúc đang dưỡng thương tại bệnh viện vào năm 2009.
Tạp chí Forbes từng xếp ông Berlusconi là người giàu thứ 90 trên thế giới, thứ hai ở Italy với khối tài sản 9,4 tỷ USD. Ông là người sáng lập và cổ đông chính của Fininvest, một trong 10 công ty tư nhân lớn nhất Italy, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và tài chính. Ông sở hữu ba trong số bảy kênh truyền hình quốc gia cùng nhiều tờ báo quan trọng bậc nhất của đất nước hình chiếc ủng.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni: “Silvio Berlusconi trên hết là một chiến binh, ông là người không bao giờ e dè trong bảo vệ niềm tin của mình. Chính sự dũng cảm, quyết tâm đó đã biến ông trở thành một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Italy những năm gần đây”. |
Lắm tài nhiều tật
Theo Financial Times, trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, ông Berlusconi thường xuyên đưa ra những lời nói và hành động cho thấy ông không quan tâm đến pháp quyền. Những người chỉ trích luôn coi ông là kẻ nguy hiểm, dùng tiền bạc để mua quyền lực và thao túng các quy trình chính trị và tư pháp.
Giống như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều chính khách nổi tiếng khác trên thế giới, ông có hàng triệu người ủng hộ và yêu mến song cũng có không ít người phẫn nộ trước những hành vi tai tiếng của ông với tư cách là người của công chúng. Thế nhưng, Berlusconi luôn tự coi mình là người đàn ông độc lập, đấu tranh cho các giá trị tự do và cạnh tranh bình đẳng.
Fedele Confalonieri, Chủ tịch Mediaset, một công ty truyền thông của vị cựu Thủ tướng cho rằng, “ông ấy là người không tưởng. Ông có thể là ‘vua’ trong một số lĩnh vực và thời điểm, nhưng với tư cách là chính trị gia dân chủ, ông ấy rõ ràng là dị thường”.
Trong cuộc đời thăng trầm, ông Berlusconi vướng phải rất nhiều bê bối. Một trong những số đó là vụ tổ chức “bữa tiệc sex” tại biệt thự riêng gần Milan. Tại đó, ông bị cáo buộc tán tỉnh các cô gái vị thành niên đến nỗi bị kết án và phải từ chức Thủ tướng năm 2011. Mặc dù sau đó, ông được minh oan với lý do “đã trả tiền” để quan hệ tình dục với một vũ công múa bụng tuổi teen gốc Morocco với nghệ danh “Ruby, kẻ đánh cắp trái tim”.
Sau vụ bê bối này, Veronica Lario, người vợ thứ hai đã ly dị ông. Ông Berlusconi có ba người con với bà Veronica Lario và hai người con với người vợ đầu là Carla Dall’Oglio.
Tháng 3/2022, tỷ phú Berlusconi lại gây xôn xao khi tuyên bố tổ chức hôn lễ “hình thức” với người vợ kém 53 tuổi, nữ nghị sĩ Marta Fascina. Buổi lễ trông rất giống đám cưới nhưng khi đó thực chất cả hai vẫn chưa kết hôn về mặt pháp luật vì tranh cãi giữa hai gia đình. Năm người con của Berlusconi cho biết “cảm thấy bị xúc phạm” trước ý định kết hôn của cha. Họ cho rằng đám cưới sẽ giúp Fascina có được khối tài sản hơn 5 tỷ bảng Anh của cựu Thủ tướng U90.
Sau khi tin ông Berluconi qua đời được công bố, các chính trị gia Italy, dù là đồng minh hay đối thủ của ông đều bày tỏ thương tiếc, nhấn mạnh ảnh hưởng của cựu Thủ tướng với đất nước. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni phát biểu: “Silvio Berlusconi trên hết là một chiến binh, ông là người không bao giờ e dè trong bảo vệ niềm tin của mình. Chính sự dũng cảm, quyết tâm đó đã biến ông trở thành một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Italy những năm gần đây. Chúng tôi đã cùng chiến đấu, có thắng có thua, nhiều trận đấu cùng ông ấy. Vì ông ấy, chúng tôi sẽ mang về cho Italy những mục tiêu mà chúng tôi đã đặt ra cùng nhau”.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi, người giữ quan điểm phi đảng phái, cho rằng, ông Berlusconi “đã thay đổi nền chính trị Italy và được hàng triệu người Italy yêu mến vì lòng tốt và phong thái lôi cuốn” .